31 Ngày với thánh I-Nhã
- Trầm Hương
- Jul 7, 2020
- 18 min read
Updated: Jul 10, 2020

Bước vào tháng 7, cùng anh chị em, tôi đi với Thánh I-Nhã trong hành trình thao luyện linh thao. Thế giới càng nhiễu nhương, những ồn ào tất bật trong đời sống thường nhật có lúc khiến chúng ta thấy ngộp thở. Cảm giác bất an và khao khát tìm gặp một an yên trong nội tâm càng trở nên cấp bách hơn. Thật chẳng dể dàng để có thể chạm đến bình an giữa một xã hội như hiện tại. Tạ ơn Chúa, sự hiện diện và cuộc hoán cải của thánh I-Nhã đã biến đổi đời Ngài, đồng thời cũng mang lại cho xã hội một cái nhìn mới, một cuộc sống mới trong thế giới tâm linh. Một khởi đầu mới với giấc mơ có được một nguồn vui sâu thẳm. Cám ơn thánh nhân qua bút ký, những chia sẽ đã dạy tôi, dẫn tôi đi và giúp tôi có những cảm nghiệm thật ấm bên cạnh Giesu chí ái. Nhớ lần đầu tham dự tĩnh tâm Linh thao, Cha linh hướng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Linh là đời sống tâm linh. Thao là luyện tập. Những ngày tĩnh tâm là những ngày lao tác với Chúa và trong Chúa. Tôi cũng muốn theo lắm, nhưng vốn biết thân phận mọn hèn, hay thay đổi, lại dể dàng chìu theo những ương lười của bản thân. Xin Chúa qua lời cầu bầu của thánh I-Nhã giúp con bước bên Người những ngày này.
Ngày 1: Học biết về Giesu trong thao luyện tâm linh
Chúa Giêsu làm người như chúng ta. Tôi không thể hiểu hết mọi sự về Thiên Chúa, nhưng Anh Cả Giêsu thật là một người trong lịch sử nhân loại. Tôi nghĩ đến hài nhi bé bỏng được sanh ra từ dạ người mẹ. Như bao trẻ thơ khác, tiếng khóc chào đời của Hài Nhi Giêsu mang lại nguồn hạnh phúc chan hoà cho Cha Mẹ. Anh em, bạn bè, người thân đến viếng thăm, cũng tặng quà, cũng chuyền tay trao cho trẻ thơ những nụ hôn yêu thương. Lớn lên chút, đôi chân bé bỏng từng bước tập đi. Lỡ vấp ngã, có Cha Mẹ đỡ nâng. Cả những lúc cùng em út chơi đánh banh, nhảy ùm xuống sông thi xem ai bơi nhanh nhất. Được dưỡng nuôi trong gia đình đạo đức biết kính sợ Thiên Chúa, Anh Cả Giêsu luôn sống vâng phục, thương yêu và quý mến cha mẹ, mọi người xung quanh. Một cuộc sống như muôn vạn người. Vì thương mà Người đã đồng hoá thân phận làm ngừoi như chúng ta, để nhờ đó nhân loại được biết đến dung mạo của Đấng từ nhân.
Không chỉ vậy, trong mọi hoàn cảnh Giêsu luôn tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Thông thường tôi luôn hỏi, “Chúa ơi, con phải làm gì?” Nhưng đi cùng với Anh Cả Giesu, tôi học biết được tôi nên hỏi, “Chúa ơi, Người muốn con làm gì trong bước kế tiếp.”
Đã làm người thì chắc chắn không tránh được những lúc hệ luỵ. Bị bỏ rơi, hiểu lầm, sức khoẻ suy yếu, mỏi mệt. Anh Cả Giêsu vì muốn đồng hành với tôi, trong thân phân con ngừoi, cũng đón nhận lấy những mặt trái không như ý của cuộc sống. Nhưng Người đón nhận với thái độ phó thác, tin cậy. Tôi cảm nhận được sự nhẫn nại chờ đợi và khoan dung của Người trong những lúc này. Đi cùng Người, trò chuyện và cảm nếm với Người, tôi đã có không ít những lần nuốt nước mắt vì bạn bè hay người thân làm ngơ. Nhưng rồi tôi xin được ở bên Ngừoi, nghe những tâm sự của Người, tôi học được và thật sự thấy bình yên để chờ đợi. Tôi không thay đổi được người khác, tôi tự thay đổi mình. Học cảm thông và đặc mình trong hoàn cảnh của họ để không bị dằn vặt tự đay nghiến nhưng tìm lấy sự an yên bên cạnh Cha chí ái.
Càng đi bên Anh Cả, chắc chắn như những chia sẽ của anh chi em, đặc biệt qua linh đạo Thánh I-Nhã, không ai có thể phủ nhận sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Bắt đầu một ngày mới, hành trình tiến về Gierusalem với biết bao thách đố, thậm chí tánh mạng bị đe doạ, Người luôn gọi tên Cha chí ái. Tín thác và kiên cường bước đi cho đến cùng, chết treo trên thập giá. Nghĩ đến đây tôi chỉ biết cuối đầu tạ ơn. Tín thác và có thể có được ý chí xin bám vào Thiên Chúa, với tôi là một Hồng Ân. Tự tôi, tôi không làm được. Anh Cả Giesu trong thân phận con người đã bao lần ngồi bên, nghe tôi than thở, nhẫn nại và dịu dàng trước những giọt nước mắt của tôi. Tôi nhìn thấy Người qua những gặp gở trong ngày. Và tôi biết, Người luôn âm thầm làm các việc và hoạt động trong tôi. Tôi nhìn thấy những giêsu hữu mang dáng dấp và trái tim bao dung của Người. Xin mỗi ngày trong đời sống, con được mãi kết hợp với Chúa Cha trong sự hiện diện của Anh Cả Giesu.
Cuối cùng, Giesu chính là nguồn hy vọng. Cuộc sống hôm nay đầy dẫy những hận thù, tranh chấp. Tình yêu cũng phai nhoà. Niềm tin như có lúc chẳng còn. Dĩ nhiên niềm vui cũng vì vậy mà trốn vào một góc nhỏ nào đó. Những chỉ cần còn hy vọng, thì những ngọn nến của tin, yêu và hân hoàn sẽ có ngày được thắp sáng trở lại. Chúa Giesu đã đặc tất cả hy vọng vào chương trình cứu rỗi của Chúa Cha. Người biết đoạn đường thương khó Người phải đi qua là cần thiết thế nào để nhân loại được tái sinh. Nơi đây, tôi ở bên cạnh Giêsu, Cha chí ái của mình với hết lòng sám hối. Người luôn chờ tôi, yêu tôi và chấp nhận tôi, bất kể tôi là ai, tôi đã làm gì. Tôi cảm được sự ngọt ngào của người Cha luôn chờ đợi và khoan dung. Tôi biết trong tôi, Người vẫn đợi và cánh cửa nhà Người luôn mở rộng chờ. V òng tay của Người lúc nào cũng sẳn sàng để ôm ấp và yêu thương tôi. Người ta luôn mất hy vọng khi cảm thấy mất tất cả, chẳng thể nào tìm lại được cái đã mất. Nhưng những trải nghiệm của cuộc sống, Người cho tôi hiểu thật sâu câu nói của thánh Gioan, "Nếu Chúa là tất cả những gì con có. Con đã có tất cả mọi thứ con cần." Thiên Chúa, nguồn hy vọng và lẽ sống của con. Tôi thật không biết đời mình sẽ ra sao nếu không có Người.
Ngày 2: Phút Hồi Tâm
Hơn 20 năm rồi, tôi vẫn không quên cái đêm ấy với lời nhắn nhủ "Hãy dành ít phút nhìn lại ngày sống." của Cha linh hướng dành cho các huynh trưởng đoàn TNTT tại trại tị nạn Palawan. Tuy tôi không hiểu lắm ý nghĩa sâu xa của lời khuyên này, nhưng tôi chọn vâng lời và làm theo. Theo thời gian, mỗi ngày được gần hơn với các Giêsu hữu, tôi thấy việc làm này không chỉ giúp cho tôi có thể lớn lên trong đời sống tâm linh, mà cả những giao tiếp trong xã hội cũng được nhẹ nhàng và gắn kết hơn.
Càng lớn tuổi, tôi càng cảm nhận được sự quan trọng của việc biết ơn. Ông bà vẫn dạy, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Nhận ơn nhất định phải trả." Luật công bằng. Nhưng nghĩ xa hơn ý thức "Tìm cách trả nợ. Nợ một chữ ân, một chữ tình." Tôi cảm như có một sợ tơ vàng êm ái đang nhẹ nhàng quấn vào người thật dể chịu và làm tôi an bình hơn rất nhiều giữa những hỗn độn và ồn ào trong cuộc sống. Bởi vì tôi biết, đâu đó mình không sống một mình. Thế giới này rất đẹp, vẫn có những trái tim mở rộng để ôm ấp chở che và giúp đỡ. Tiến thêm sâu hơn, tôi lại thấy mình nhỏ bé, yếu đuối lỗi phạm biết bao, thế nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, và luôn bên cạnh rót những giọt ân sủng xuống đời tôi. Vì thế, biết ơn trả ơn. Không chỉ là nợ mà còn là một thâm tình đang được vung đấp. Thế cho nên bắt đầu phút hồi tâm trong ngày, chúng tôi luôn được dạy khởi sự với lời "Tạ ơn."
Chắc chắn bạn cũng có những lúc cố gắng dùng sự khôn ngoan của mình để suy nghĩ và phân tích các việc, nhưng xem chừng ra không có một chút gì khả quan. Vậy cho nên, cần phải khiêm nhường xin ơn soi sáng để có thể nhìn lại ngày qua hầu hiểu, nghe và cảm được tiếng nói, ý định và hoạt động của Chúa dành tặng cho.
Kế đến, thông thường tôi thích viết xuống những câu trả lời sau phút thinh lặng hồi tâm, để có thể một lần nữa được Thánh Thần khai thông huyệt ngu của mình.
-Người, việc xảy đến, tôi nghĩ gì? Tại sao tôi nghĩ vậy?
-Tôi có đặc mình trong hoàn cảnh của người khác để cảm thông, và hướng đến điều tốt đẹp không? Hay là tôi cảm thấy bực bội, thất vọng và chán ghét?
Tôi càng hiểu được, trong mọi lúc, dù là điều tốt đẹp, ma quỷ vẫn có thể làm lệch lạc và đẩy tôi đi sai lối. Bởi thế, lỗi phạm là chuyện hàng ngày vẫn xảy ra. Tôi không muốn tranh đấu với những yếu điểm của mình, vì tôi biết mình ngu muội và yếu lòng. Chỉ xin ơn để được thứ tha và qua đó tăng thêm lòng tín thác. Cũng như biết được Cha của mình luôn ở bên cạnh đở nâng hầu thế lực của sự dữ không dẫn tôi vào đường gian ác.
Có khi tôi chẳng nghe được lời dạy gì, nhưng tôi cảm được sự ủi an. Sự tỏ lộ, ủi an của Thiên Chúa cũng là một ý định của Người dành cho tôi, không hẳn lúc nào cũng bảo tôi phải làm gì. Nghĩ ngơi và ở lại trong sự bàn tay ấm áp, dịu vời ngọt ngào của Chúa, luôn là điều rất cần cho tôi. Bước cuối cùng trong phút hồi tâm là xin Chúa thêm sức và giúp mình nhận ra nhưng giây phút kế sau đó, phải làm gì. Thật sự là ý Chúa thật thâm sâu, chẳng tài nào thấu nổi. Như đứa trẻ tay trong tay người cha, lâu lâu lại trố mắt hồn nhiên thốt lên, "Đẹp quá, tuyệt vời quá. Cám ơn Người." Như cô bé, tôi bước vào cuộc phiêu lưu kỳ thú và đầy hấp dẫn. Mở được cánh cửa trước mắt, lại sẽ thấy xa xa một cánh cửa khác trước mặt, rộng hơn đẹp hơn. Nhưng đường đến đó cũng tăng thêm phần thách đố. Chỉ là tôi không muốn dừng lại và mong mỏi được tiếp tục. Cứ thế từng bước xin "Nếu Người muốn hãy mở tai, mở mắt và mở trái tim để con có thể bén nhậy với những hoạt động của Người, Cha Chí yêu của con."
Cám ơn Cha linh hướng NTT, cám ơn các Giêsu hữu đã dạy con "Phút hồi tâm" trong ngày.
Ngày 3: Thiên Chúa trong mớ hỗn độn
Tuy không phải là người thông minh, trông xa hiểu rộng, nhưng tôi cũng có những dự tính cho tương lai. Tôi dùng khả năng, để sắp xếp mọi sự theo ý muốn với hy vọng mọi thứ đều sẽ tốt đẹp trong tầm tay của mình. Thời tóc xanh, tôi mơ một mái ấm với những buổi cơm chiều êm đềm bên chồng và các con. Chuẩn bị và làm mọi thứ mà các bà mẹ vẫn và đang làm khi bọn chúng con bé. Đưa đi học, đi đánh banh, học bơi, học đàn. Dạy con học làm người biết kính trên nhường dưới, biết lễ phép và học biết ơn. Ngày cuối tuần cùng các con đến nhà xứ học giáo lý, sinh hoạt. Kinh sớm kinh tối không thiếu.v.v. Thiết tưởng mọi sự cứ như chiếc xe lữa chạy bon bon trên đường ray. Thế nhưng từ khi nào, và tại sao có lúc phải dừng lại. Mọi sự trên đời cần có những kết nối. Một bàn tay vỗ không kêu. Như người lái tàu cũng phải cẩn thận và tinh tế trong lúc lái. Đường ray cũng phải được sửa chữa đúng thời hạn. Cả hành khách trên tàu càng nên hiểu mình đang ở đâu? Không thể cứ nháo nhào chạy tán, vì như vậy thì cho dù hai thứ kia được chuẩn bị chu đáo, đoàn tàu vẫn phải bị ngán đoạn.
Càng nghĩ tôi càng thấy mình thấy khờ khạo. Trên đời này có gì là trường cửu và hoàn hảo chứ. Không ít lần tôi đã phải kêu lên "Chúa ơi, Người ở đâu? Sao nở bỏ con." Với thời gian và những phút giây lần bước bên Người, tôi nghiệm ra một việc "Quá khứ và tương lai là việc không thể thay đổi cũng như chẳng nắm bắt được. Nhưng hiện tại đối đầu với những chông chênh trong đời sống, điều tôi có thể làm là thay đổi não trạng, góc nhìn sự việc với sự trợ giúp của Thiên Chúa.”
Tôi tin không có cha mẹ nào muốn trừng phạt con mình, mà gởi đến chúng những gian khổ, nghiệt ngã. Nhưng sự thật trong cuộc sống, những nổi thống khổ, thất bại, chán nản, đầy dãy hận thù sự ác vẫn diễn ra và làm ta điêu đứng. Không ai tránh được! Những lúc như vậy, tôi tin hầu hết các bậc cha mẹ trên thế gian đều sẽ luôn mong được các con bám lấy mình, trở về nhà và cùng với mình dọn dẹp những hỗn độn rất rối đó. Tôi không biết nói sao để có thể diển tả được hết tâm tình hoan hỉ khi được nghe các con gọi tên mình và ở bên cạnh mình. Tôi, một con người bất toàn còn biết yêu con mình và nghĩ được vậy, huống hồ là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và hằng yêu thương con người hết mực. Tôi tin, trong các mớ hỗn độn nghiệt ngã của cuộc sống hôm nay, Người vẫn bên cạnh. Nếu tôi khóc một, Người khóc cả một dòng sông. Tim tôi đau một, tim Người tan chảy vì yêu. Trong thinh lặng và bên Chúa, Người dạy tôi biết rỏ về mình hơn qua những vấp ngã của đường đời. Tôi nhìn thấy khuôn mặt từ nhân của Người rỏ hơn. Người vẫn ở bên đó thôi. Chỉ là tôi có chịu nắm tay Người, gọi tên Người, xin Người và cùng Người dọn dẹp những rắc rối, bỏ đi những chướng ngại trên đường khiến tôi không nhận ra hạnh phúc vẫn ở bên mà thôi.
Ngày 4: Nhận biết An ủi và Phiền muộn nội tâm
Những ai tìm hiểu về linh đạo của thánh I-Nhã đều biết rằng hai trọng điểm quan trọng trong đời sống tâm linh là sự an ủi và phiền muộn nội tâm. Như hai tiếng nói, hai lối đi, hai hướng nhìn hoàn toàn trái ngược và không giây phút nào ngưng nghĩ đối chọi với nhau.
Hành trình hoán cải của thánh I-Nhã đầy cam go, nhưng vô cùng thú vị vì thời gian đó Thiên Chúa đã dẫn Ngài có lại chính mình với những khát khao tiềm ẩn sâu kín tận đáy lòng khi tìm kiếm ý nghĩa hạnh phúc. Trong những tháng dài nằm trên giường bịnh, Ngài có hai trạng thái mơ tưởng trái ngược nhau. Tưởng nghĩ đến một mối tình lãng mạn, bản thân là một hiệp sĩ tuấn tú, tài ba, tiếng tâm vang dội, là chỗ dựa, bảo vệ cho người thiếu nữ xinh đẹp mình yêu. Dĩ nhiên điều đó mang lại cho Ngài cảm giác thỏa thích vô cùng. Nhưng không lâu sau lại trở nên khô cằn và buồn khổ tuyệt vọng hơn cả trước đó. Mặc khác, Ngài nghĩ đến việc bắt chước đời sống các thánh nhân như đã viết trong các sách được đọc trong thời gian dưỡng bịnh cũng mang đến cho Ngài cảm giác vui thích tuyêt vời, nhưng tâm tình này tiếp tục ở lại trong nội tâm của Ngài bao lâu Ngài còn nghĩ đến. Để ý đến những thay đổi trạng thái cảm xúc bên trong nội tâm khi nghĩ về các giấc mơ và ao ước khác nhau, thánh I-Nhã nhận ra sư an ủi(consolation) là một khích lệ, một mời gọi đến từ cảm giác bình yên, tìm thấy hy vọng và tình yêu có tính chất bền vững, hướng chúng ta về bên Thiên Chúa và hướng đến khao khát mong mỏi được giúp đỡ người khác.
Nhưng nếu chỉ tập trung để ý những biến chuyển trong đời sống nội tâm thôi, thì vẫn chưa đủ. Những năm gần đây, đặc biệt trong giây phút này, nghiệm lại hành trình của thánh nhân, tôi thấy như được khai mở một chân lý mới. Có những kế hoạch tôi nghĩ và tôi cho rằng tôi nên làm, thật ra không phải là việc mà Chúa muốn nơi tôi. Nhìn lại, ngày ấy I-Nhã bị trục xuất khỏi Jerusalem, nơi mà Ngài cho rằng sứ mạng của mình là ở đây. Ngài dùng sự khôn ngoan và tinh tế hơn để đối mặt với thách đố trước các quyết định cụ thể sau cuộc hoán chuyển tuyệt vời với cố găng tìm hiểu được đâu là điều Chúa muốn ở Ngài. Trong khiêm nhu, thánh I-Nhã đã ở lại Barcelona, quyết định đến trường học. Trong thời gian này, Ngài tập những bài tập về nhân đức khiêm nhường (thật chẳng dể tí nào khi một thanh niên cao lớn, tài giỏi, từng được nhiều người ca tụng, lại phải ngồi học chung bàn với những cậu bé nhỏ tuổi hơn mình rất nhiều.) Thêm vào đó Ngài dùng sự hiểu biết, phân tích, kết hợp với những biến chuyển cảm xúc trong nội tâm, Ngài học biết đươc rất nhiều về những hoạt động, và tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Ngài.
Nhiều năm nay tôi giúp giáo lý cho các em trong cộng đoàn. Thậm chí theo đuổi các khóa học với hy vọng và tin rằng đây là việc tốt lành. Với ơn Chúa trợ giúp, trong các khả năng tôi có thể làm được. Thế cho nên, tôi luôn cho rằng, đây là sứ vụ của mình. Nhưng không hiểu sao, mỗi ngày, càng đào sâu, và nhìn lại tôi thấy nơi đây có lúc không cho tôi cảm giác an ủi dài lâu, mà đôi lúc lại có chút thoáng qua cảm giác tự mãn và hài lòng về mình. Cơ hồ tôi nghe được Chúa đang có một chương trình khác cho tôi trong khao khát được trao ra, được phục vụ. Chỉ là cho đến khi tôi nghe được thật rỏ ràng, và tôi tin Chúa sẽ làm việc và cho tôi dấu chỉ để nhận biết, tôi vẫn phải nên tiếp tục công việc hiện tại. Như một cơ hội để tập luyện các nhân đức khiêm nhường, biết vâng phục người trên mình và lắng nghe tiếng nói hướng dẫn trong nội tâm nhiều hơn. Con biết mục đích đời con là đi tìm ý Chúa và thực thi ý Người trong suốt hành trình sống của mình. Nhưng ý Chúa thi bao la huyền nhiệm quá, con phải luyện tập và không ngừng nhắc nhở mình cảnh tỉnh trước những cám dỗ luôn. Xin ở bên và biến đổi con luôn theo ý của Người.
Phía ngược lại, khi nghĩ đến có những lần được nghe tâm tình của các bà mẹ, các giáo lý viên, và cả các em thanh thiếu niên tuổi 19 trở lên, tôi lại cảm thấy một niềm vui lạ lùng. Chỉ đơn thuần, tôi thinh lặng, lắng nghe, quan tâm và cảm thông với những thổn thức, những bâng khuân của họ. Sau đó, tôi âm thầm cầu nguyện và không biết tự khi nào, cảm thấy yêu họ hơn.Bản thân tôi, cũng học hỏi được rất nhiều từ những chia sẽ từ người khác.Thật sâu nhưng chưa đủ để bùng lên ngọn lữa, nhưng dù sao thì tôi vẫn trân trọng và gìn giữ tôi cảm được một lời mời gọi hướng về con đường này. Tuy nhiên, tôi ngu ngốc, vụng về, lỗi phạm, tôi không dám nghĩ nhiều.Có điều khi suy tư về sự ủi an và phiền muộn trong nội tâm, tôi thấy cơ hội được hiện diện, lắng nghe, học hỏi nơi các phụ huynh và các thanh thiếu niên tuổi con mình cho tôi sự an vui thật lâu.Đồng thời, tôi biết thánh ý Chúa bao la và huyền nhiệm.Tìm kiếm và thực thi ý định của Người, tôi phải dùng cả đời, đi từng bước, mở từng cánh cửa, có thể bắt gặp lối rẻ trong mọi lúc. Tôi chỉ muốn giữ và ôm ấp cảm giác được an yên lâu dài trong ân sủng Chúa và thế là tiếp tục bước.
Ngày 5: Lòng biết ơn
Một lần, tôi vòi vĩnh xin tiền. Cầm đồng bạc Ba cho, tôi chẳng những không nói tiếng cám ơn mà còn mặt to mặt nhỏ. Dùng đồng bạc cà cà lên tường nhà, ý bực bội vì số tiền ít ỏi không đủ để tôi mua thứ mà mình muốn. Nhưng không đắc chí được lâu, vì ngay sau đó tôi bị Ba cho một cái tát tay nảy lữa. Đây là lần đầu và cũng là lần duy nhất trong đời, Ba đánh tôi. Tuổi trẻ, tôi không dám cãi lại, nhưng tôi không phục. Không lâu sau, Ba tôi mất. Đọc những dòng nhật ký của Ba, tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi trách mình sao quá vô ơn, không chịu nghĩ cho Cha Mẹ. Từ đó, trong lời nguyện tôi xin Chúa, "thà là lấy đi mạng sống, còn hơn là để con trở nên kẻ vô tâm làm người thân đau lòng."
Thánh I-Nhã đã coi lòng vô ơn như cội rễ của mọi thứ tồi tệ. Trong một bức thư đề gởi một anh em trong dòng là Simon Rodigues, I-Nhã đã viết: “Nếu người ta suy nghĩ về những điều tốt lành của Thiên Chúa, thì trong những điều lầm lỡ tồi tệ nhất phải kể đến là lòng vô ơn với những điều tốt lành đáng trân trọng trước Đấng Tạo Hóa, là Chủ và trước những tạo vật được dựng nên vì danh thánh vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lòng vô ơn là chính sự lạnh lùng với những món quà và hồng ân nhận được.”
Trong mọi hoàn cảnh, hai tiếng "Cám ơn" đều sẽ đem lại cho bạn những đều tốt đẹp. Như trong quan hệ việc làm, những năm đầu định cư ở Mỹ, tôi có phần ngạc nhiên khi ông chủ lại nói tiếng cám ơn nhân công của mình khi họ làm tốt việc được giao. Nhưng dần dần về sau, tôi thấy mọi người kể cả bản thân đều rất quý mến người chủ và luôn cố gắng làm thật tốt công việc của mình. Thậm chí có lúc vì thời gian cấp bách không kịp giao hàng, dù không muốn làm thêm giờ, chúng tôi vẫn vui lòng. Quan hệ chủ nhân và người làm trở nên thân hơn và công việc vì thế càng trôi chảy.
Tiến xa hơn, tôi lại nghĩ đến tình yêu và những chuẩn bị rất chu đáo mà Thiên Chúa ban tặng, đặc biệt là món quà biết "Kính sợ Thiên Chúa", ngày lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức. Trở lại những dòng nhật ký của Ba. Tôi hiểu được Ba đã hy sinh rất nhiều. Những năm sau 1975, kinh tế gia đình suy sụp. Để có thể có những bát cơm ngon, canh ngọt, Ba Mẹ tôi rất vất vả. Tôi thương Ba Mẹ vì tôi biết, tôi rất may mắn được sống trong một gia đình được yêu thương, có Cha Mẹ dìu dắt, đỡ nâng. Tôi biết ơn và vì thế càng sợ mình lầm đường lạc bước sẽ làm người thân đau lòng. Thiên Chúa thì lại càng yêu tôi gấp bội, "Kính sợ Người", đồng nghĩa với việc biết ơn và thay đổi cuộc sống hầu có thể trở nên người hữu dụng và ngày một tốt đẹp hơn.
Tạ ơn Chúa cho món quà "Biết ơn", để từ đó con cảm nhận được mỗi ngày qua đi không chỉ đơn thuần là "một ngày như mọi ngày", nhưng là hồng ân, là quà sự sống mà Chúa ban tặng.
Ngày 6: Maria ơi! Mẹ của con ơi.
Mẹ đẹp quá! Khuôn mặt thanh tao, ánh mắt như chờ đợi, Mẹ dang tay cuối nhẹ xuống như muốn bảo tôi, "Đến đây." Cảm giác này khiến lòng tôi thư thái vô cùng.
Từ nhỏ thánh I-Nhã đã được lớn lên trong bầu khí kính mến Đức Mẹ. Càng quan trọng hơn, điểm khởi đầu cho cuộc hoán cải của thánh nhân được kể lại với biến đựoc Đức Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu hiện ra vào khoảng năm 1521. Tin chắc vì thế, sau khi lập dòng, Ngài luôn đặc mọi sự trong bàn tay dìu dắt của Mẹ. Nói đến Mẹ Maria và các tu sĩ Dòng Tên, tôi phải cảm ơn Cha linh hướng NTT. Ngài luôn bảo chúng tôi, "Bám vào Mẹ." Mẹ là chiếc cầu nối giữa trời và đất. Nghĩ đến Mẹ, tôi nghĩ đến tình yêu của người Cha, tình yêu Thiên Chúa. Những người làm cha mẹ hy vọng khi mình không còn nữa, phần gia tài để lại có thể giúp các con phần nào sống tốt. Mỗi người mỗi cách nghĩ, và để lại những thứ khác nhau. Tuy nhiên đó là tất cả tình yêu của họ dành cho con mình.
Chiều thứ sáu hôm ấy, tôi quyết định lên núi, tiếp tục đứng dưới chân thánh giá, như lời khuyên của Cha linh hướng. Con nhìn Chúa - Chúa nhìn con. Không gian như động lại! Con gái được Cha hôn nhẹ lên trán. Hạnh phúc quá đổi! Giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má, mặn ngọt tan lẫn thật êm đềm. Tôi muốn... nhưng Người đặt ngón tay trỏ lên miệng tôi, ra dấu bảo, "đừng nói gì cả." Ôm ấp giây phút ấy, trong thinh lặng, Cha con hiểu nhau. Không có cảm giác buồn thảm sầu khi nghĩ đến cái chết đau đớn của Chúa trên thập giá. Tôi chẳng sao có thể diển tả được ánh mắt của Người hôm ấy, nhưng tôi biết Người thương tôi lắm. Đột nhiên có tiếng nói nhẹ trong làn gió, "Này là Mẹ con”, và “đây là con Bà.”
Tôi chính thức rước Mẹ Maria về nhà từ ngày ấy. Sáng chiều mỗi lần đi về đều chào hỏi. Tôi càng bám vào Chuỗi Mân Côi tha thiết hơn.
Tôi biết Mẹ Maria là người mà Chúa gởi gắm để chăm sóc, dìu dắt và đở nâng tôi trong hành trình sống này. Người MẸ, một tặng phẩm của Cha chí ái. Một tình yêu và chuẩn bị rất chu đáo của Cha, để đời tôi có thể có được những ngày thật an bình. Tôi tin và tôi ủy thác gia đình trong sự bảo hộ của Mẹ. Có rất là nhiều ơn lành tôi biết Mẹ đang từng chút làm cho tôi, cho người thân yêu của tôi. Tạ ơn Chúa đã ban cho con, ban cho nhân loại một người Mẹ.
Hèn Mọn, Jul 2020
Comments