Chúa ở đâu?
- Trầm Hương
- Apr 17, 2020
- 7 min read

"Thế giới đang như sụp đổ. Có lẽ Thiên Chúa nổi giận với con người. Dich bịnh lan tràn, lòng dân hoang mang. Thiên Chúa đang ở đâu?" Tôi chần chừ không biết nên trả lời sao với con bé.
Cả tháng nay, làm việc tại nhà để tránh sự lay lan của dịch bịnh Covid 19. Cứ khoảng chừng vài ba tiếng là tôi xem tin tức. Chẳng thấy có dấu hiệu gì khả quan, số người bị nhiễm bịnh và thiệt mạng cứ tăng dần. Có hôm người chị em, là nhân viên y tế, lên tiếng "Hoang mang lẫn lo sợ....😞🙏 Không biết nói gì hơn trong lúc này... cầu xin Ơn Trên sự bình an cho tất cả!"
***
Tuần lễ đầu tiên ở nhà, tôi thật thấy vui vui. Vì đây là cơ hội cả nhà được gần gũi với nhau. Tôi lại có thêm tí thời gian để làm các việc mà lâu nay tôi không thể làm một cách trọn vẹn. Dù vẫn hiểu thế giới bên ngoài bốn bức tường của gia đình, rất nhiều người đang phải đau khổ với khá nhiều vấn nạn liên quan đến cơn dịch bịnh quái quỷ này. Nhưng, đúng là tôi vẫn thấy thanh thản, nếu không nói là tạ ơn Chúa đã cho cơ hội được ở bên cạnh người thân.
Tuần lễ thứ nhì, tin chắc là nhờ nghe các đoạn video nói về sự công bình trong xã hội của các vị linh hướng, tôi nghe lời thầm hỏi bên trong “Có thật là tôi may mắn không?" Tôi vẫn còn việc làm, vẫn còn sức khỏe, những người mà tôi đặc biệt quan tâm, thương yêu vẫn chưa bị con vi khuẩn quái ác đó hỏi thăm. Đâu đó, dường như xa lắm tại những đất nước nghèo, người dân phải vật lộn vì tạm thời bị mất việc, không có tiền, lấy gì mua gạo, mua củi, mua nước, nuôi các con. Tôi cảm thương và bắt chước gương những người đi trước (có lẽ trong thời gian này tôi đang đọc sách của nhà văn linh mục James Martin, "My life with the Saints"), tôi cầu nguyện nhiều hơn, tha thiết hơn cho thế giới sớm khỏi cơn dịch bịnh.
Tuần thứ ba, giáo hội bước vào cao điểm của mùa Chay Thánh, với việc cử hành Lễ Lá. Dân Do Thái mừng đón Chúa Giesu vào thành Gierusalem. Tôi nghĩ đến nét mặt đăm chiêu, ưu tư nghĩ ngơi của Chúa. Chắc chắn không sao cảm thấu hết nổi đau, nhưng tôi có thể nghe được hơi thở của Chúa. Đêm dài quá. Ánh sao ẩn mình. Màn trời tối đen. Bước chân ba Thầy trò tiến vào vườn cây dầu mỗi lúc mỗi nặng nề hơn sau lời tâm tình "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức"(Mc 14:35). Đã từng kinh nghiệm nổi khát khao được có người ở cùng trước khi bước vào một hành trình mới , hay đương đầu với những vấn nạn trong đời sống, tôi đồng cảm với Người. Vâng, con xin được ngồi với Người đêm nay. Nhưng đầu óc như đặc cứng. Người ta nói không sai, chia sẽ niềm vui thì dể. Còn nổi đau. lại chẳng biết phải ứng xử thế nào. Có lẽ, chỉ xin được ngồi bên cạnh. Thinh lặng và thinh lặng.
Cha ơi, con vụng về quá. Yêu Cha đó, nhưng lại chẳng thể ngồi với Cha một giờ. Con lại ngủ mất. Nhưng Cha biết con yêu Cha, và con là thế đó. Bất toàn, yếu đuối, không làm được việc. Cha biết thay thảy. Thế nhưng Cha vẫn yêu con và sẳn lòng chịu chết thay cho con. Đêm nay, Cha không là môt ông Vua trên cao; Cha không là bạn của con. Càng không là một ông Anh Cả mà con thèm có để được nũng nịu. Cha là Cha của con. Một người Cha bao dung, nhân hậu. Vẫn biết con của Cha bất xứng, nhưng chẳng bao giờ từ bỏ; luôn chấp nhận con bất kể con là ai, và con đã làm gì. Đường thập giá của Cha hay của con? Câu trả lời không quan trọng cho bằng việc con ý thức được quá trình của việc bước đi này con là ai, nên làm gì và cần gì? Xin giúp con hiểu được "đường dẫn đến vinh quang nhất định phải đi qua thập giá" và vững tâm vì biết rằng "Cha con mình luôn đi và ở bên cạnh nhau." Có người gọi con báo "nhà hàng xóm bị cướp". Nghèo đói, trộm cắp, tệ nạn luôn đầy dãy. Con không thể chỉ ngồi trong bốn bức tường kín mít mà ủi an xoa dịu nổi đau của người khác. Nhưng quả thật như văn hào Dostoevsky nói "Tình yêu đi vào hành động là một việc làm gây go và quả cảm, khác với tình yêu trong giấc mơ.” Con có thể làm gì để xoa dịu nổi đau của Cha, của nhân loại và của chính con trong lúc này?
Tuần lễ thứ tư, Tam Nhật Thánh. Trước đó tôi xin Chúa cho được góp tay, nhưng ngoài viêc ngồi thu mình lần chuỗi Mân Côi, thì chẳng biết làm gì. May thay nhận được email của Free Phong bảo, hãy kêu gọi chị em may khẩu trang tặng cho nhà thương để họ có thể được phần nào an toàn khi giúp bịnh nhân trong cơn dịch bịnh. Thật may mắn, cộng đoàn gần nhà, một số anh chị em đã tiến hành. Thế là làm thôi. Tạ ơn Chúa.
Tuần thứ năm, Bát Nhật Phục Sinh, lại tiếp tục ngồi nhà, vẫn còn trong thời gian tự cách ly để tránh dịch bịnh. Đã hơn 2 triệu người bị nhiễm bịnh và 150 ngàn người mất mạng trên toàn thế giới. Đứng trước nổi đau của người khác, và của chính mình, có hai con đường để chúng ta chọn lựa:
A. Lo lắng, sợ hãi, giận dữ, than trách, hoang mang, tách rời mình với cuộc sống bên ngoài.
B. Đối diện với trạng thái kết nối, cảm thông, lòng trắc ẩn, nhìn thấy sức sống và niềm đam mê đem niềm vui và tình yêu đến cho nhau.
Tin chắc hầu hết chúng ta sẽ chọn con đường B. Nhưng như thánh Phalo từng nói "Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:14-15) Vì thế, bám vào Chúa qua những phút thinh lặng nguyện cầu là điều cần thiết vô cùng. Chúa đã chết, và đã sống lại khải hoàn. Nhưng Người không bỏ chúng ta mồ côi. Người vẫn ở lại với chúng ta mỗi ngày, từng giây phút trong đời sống qua Bí tích Thánh Thể. Người vẫn thầm thì, hiện diện và đi cùng chúng ta trong mỗi phút giây sống. Chúng ta quá bận bịu tập trung vào những việc khác không nhận ra Người đang ở bên cạnh. Người luôn khát khao trao ban "Bình an" cho chúng ta. Một bình an nội tâm giúp ta có thể cởi bỏ mọi xiềng xích và có được niềm vui đích thực. Một bình an mà tự bản thân sẽ không sao có được. Kinh nghiệm cho tôi biết, chỉ khi nào có được sự bình an nội tâm này, tôi mới có thể làm được những điều tốt lành mà mình thật sự mong muốn. Những phút hồi tâm, thinh lặng ngồi bên Cha chí yêu, cần thiết biết bao. Thinh lặng bên Người thôi!
***
Trở lại với câu hỏi của cô bé "Chúa ở đâu? Con không thấy? Người như ẩn mình." Hai mẹ con trong lúc may khẩu trang tâm tình qua lại "Mục đích của việc làm này là gì?" Cuối cùng chúng tôi kết luận: "Tình yêu đích thực phải được thể hiện bằng hành động nhiều hơn lời nói. Khi gặp chuyện, bên cạnh cầu nguyện xin ơn còn phải "action"(con bé nói thế), nếu không chẳng giải quyết được vấn đề.” Nhưng không dừng ở đó. Bên cạnh hành động đáp trả lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta cần phải bước ra khỏi chính bản thân. Bước ra khỏi những bận tâm riêng cho chính mình. Việc làm dù là tốt đẹp đó, nhưng nếu làm chỉ vì mong mình đừng phải ấy náy, mặc cảm vì không quan tâm đến người khác. Hay làm chỉ vì mong được "cái vé để lên thiên đàng", phải chăng còn quá thiếu, chưa trọn hảo. Chỉ khi nào bạn nối kết và cảm được nổi đau và đồng hành với nổi đau của người anh em thì khi ấy bạn mới đích thực sống trong Chúa và Chúa sống trong bạn. Há chẳng phải Chúa Giesu đã từng vì cảm thông; không thể chịu nổi việc một ai đó phải chịu đau chịu khổ thêm phút giây nào mà đã chẳng chần chừ ban ơn chữa lành bất kể phạm luật làm việc trong ngày Sabat sao?
Con gái yêu dấu, Chúa ở đây, ngay bên cạnh con. Đúng, Người đang ẩn mình trong những người nghèo khổ, những bịnh nhân, những bác sĩ, thiện nguyện viên, những người đang mang trong mình giọt máu cảm thông với nổi đau của anh em bên ngoài. Chúa cũng đang ở trong con, trong từng đường kim, trong từng lời kinh nguyện con tha thiết dâng lên để xin cho thế giới được an bình. Chúa ở đây, ngay bên cạnh con đó thôi. Con không thấy sao?
Lạy Chúa, xin cho con cảm thấu được điều này để rồi trong mỗi việc làm của con tình yêu và sự cảm thông của Cha được tỏ lộ. Tạ ơn Cha đã cho biết thế nào là tình yêu đích thực và xin luôn ở bên con, hướng dẫn, uốn nắn và dạy con sống ngày một xứng đáng hơn với tình Cha ban tặng. Dâng lên Cha tiếng khóc than của nhân loại. Xin dâng lên Cha các nạn nhân, các vị y sĩ, các hàng giáo phẩm và từng người trong mỗi chúng con. Xin cho trong hoạn nạn, chúng con gần nhau và thấy được Cha trong mỗi người anh em.
Hèn Mọn, Thứ Sáu Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Ngày 17 tháng 4 năm 2020
Comments