top of page

Nhật Ký Bộ Hành- Phần 1: DỌN ĐƯỜNG

  • Writer: Trầm Hương
    Trầm Hương
  • May 29, 2024
  • 46 min read


1

MẶT HỒ GỢN SÓNG

 

Hôm đó tôi theo đoàn hành hương đến Bồ Đào Nha nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra. Đột nhiên có một nhóm anh chị em chẳng hiểu từ đâu tới, tay cầm gậy, vai vác ba lô, áo quần xốc xếch, chạy ùa đến chào Cha linh hướng. Hình ảnh đánh động tôi khi ấy là những đôi mắt hân hoan ngấn lệ, cùng tiếng cười rộn rã niềm vui của họ.  Cha kể lại mới biết.  Fatima là trạm kết thúc hành trình dài 500 cây số của họ sau hơn cả tháng trời giong ruổi trên đường đi.

 

Lòng tôi xôn xao như có ai đó thảy xuống một hòn sỏi nhỏ khiến nước trên mặt hồ gợn lăn tăng.

 

-Động lực nào thúc đẩy họ lên đường?

 

Năm năm trôi qua, tôi không đi tìm câu trả lời, nhưng giữ khát khao mong được một lần trong đời đi trên đoạn đường mà các anh chị em đó đã đi qua. Thời gian sau này, qua các hành trình thao luyện linh thao, tôi hiểu có những điều cần phải trải nghiệm bằng chính kinh nghiệm sống của mình. Tôi không muốn cứ đi vòng vòng rồi lâu lâu kéo ai đó ra hỏi:

 

-Trên đỉnh núi cao kia bạn thấy gì, cảm nhận gì?

 

Tôi ước mình có thể cảm nếm những điều kỳ diệu trên ngọn núi cao ấy từ sự nồng cháy của con tim chứ không chỉ bởi những điều đã được vẽ ra trên các trang sách hay từ chia sẽ của người khác. Tôi tin, nếu ước ao đẹp lòng Chúa và là điều tốt cho tôi, đến thời đến lúc, Người sẽ làm cho nó thành hiện thực.

 

Cách đây một năm, hai anh chị trong nhóm tôi đang sinh hoạt có ý định đi bộ hành.  Họ đi một mình, không qua các dich vụ hay người chỉ đường. Tôi không ngạc nhiên vì biết chị đã từng sống bên châu âu một thời gian. Tôi ngõ ý hỏi thăm, nhưng không hề có ý định sẽ tháp tùng đi với anh chị lúc này. Lý do, tôi chưa sẳn sàng. Chỉ là cuc than hồng vẫn hằng âm ỉ cháy trong lòng tôi có phần ấm hơn.

 

Tạ ơn Chúa.  Ngài biết tôi thuộc típ người hay sợ, làm điều gì cũng dè chừng, không liều lĩnh muốn là cứ một hai thi hành ngay.  Cho nên đến lúc cần, Ngài sẽ gởi đến một bàn đạp để đẩy tôi vung bật ra khỏi cái thế giới chậm chạp và chần chừ của mình. Lần nữa, trong lúc đi dạo một người bạn đã hỏi tôi:

 

- Hương có muốn đi bộ hành hôn? Nếu muốn thì mau mà đăng ký.

 

Nghe xong tôi biết ý định này sẽ được thành thật. Nhưng khi nào và đi với ai, thì cần phải cầu nguyện thêm. Đây là một hành trình không đơn giản.  Muốn thực hiện tôi cần phải lên chương trình, phải có giờ tập luyện đi bộ, leo dốc, rồi còn phải sắp xếp thời gian và chi phí sao cho ổn thỏa.

 

Kinh nghiệm đi chung với bạn bè cho tôi biết nếu không khéo léo, sẽ mất đi tình thân sau chuyến đi.  Tôi xin Chúa nếu là ý Ngài, thì hãy gởi đến bên tôi những người bạn đồng chí hướng.  Xin Ngài gìn giữ chúng tôi trên đường đi, ngõ hầu có thể thương, thông cảm nhau và tình bạn qua đó được triển nở.

 

Rồi ngày ấy cũng đến. Anh chị trong nhóm mà tôi đang cùng sinh hoạt lên tiếng:

 

- Năm nay tụi em sẽ tiếp tục đi bộ hành , nhưng đi con đường mới. Chị có muốn đi cùng không?

 

Chúng tôi đã quen biết nhau một thời gian.  Ít nhiều cũng hiểu tí tí về tâm tính, cùng những ước mơ của nhau.  Bản thân tôi luôn cảm được tình thương và sự quan tâm nâng đỡ của anh chị dành cho mình. Tôi cũng rất quý mến hai người.  Bên cạnh đó, trong các hành trình làm linh thao trong cuộc sống một vài chị em khác cũng có ao ước này.  Tuy chỉ gặp nhau qua mạng trong các buổi chia sẽ tâm tình cầu nguyện, nhưng sợi dây thân ái qua ân sủng Chúa cách nào đó đã nối kết chúng tôi lại.  Mọi sự đã sẳn sàng.  Bắt tay chuẩn bị cho chuyến đi thôi!

 

2

TRỖI DẬY MÀ ĐI

 

Ngày đầu tiên tập đi bộ. Tôi không thể mường tượng được con đường lên núi sẽ thế nào.  Nhưng nghe nói phải đi bảy dặm là tôi run lẫy bẩy. Trong đời tôi chưa bao giờ đi bộ đường dài đến vậy trong một ngày.

 

Sợ! Nhận biết giới hạn của bản thân khiến tôi chùng chân. Tin chắc không là chuyện tình cờ, mà cách nào đó Thiên Chúa sắp xếp động viên tôi trong lúc này. Đêm trước đó, một chị trong nhóm ngõ ý:

 

-Không biết chị có đi nổi hôn? 

 

Có được đồng minh, lòng tôi nhẹ nhỏm.  Nghĩ lại tôi thấy mình dởm òm.  Muốn lên tiếng nhưng lại không dám, sợ bị chê là chưa ra trận đã tính đường thoái lui.  Mắc cỡ với yếu điểm của mình, đồng thời tôi tạ ơn Chúa. Vì nếu không như thế thì tôi đã lên tiếng đề nghị đi nữa đường thôi. Lúc này tôi chẳng còn lý do gì để đôi co với sự ù lì ngại khó của bản thân nữa.  Và cũng chính nhờ vây, tôi mới có thể  dám liều lĩnh bước tới khám phá sức mạnh tiềm ẩm trong mình. Bất cứ mọi sự xảy đến, dù là vui buồn, thành công hay thất bại đều có những điều tuyệt vời để học hỏi và hữu ích cho sự thăng tiến trong cuộc sống. Chỉ là tôi muốn nhìn và đón nhận nó thế nào mà thôi.

 

"Hãy trỗi dậy, đi xuống nhà thợ gốm, nơi đó con sẽ nghe được …" (Giêrêmia 18:2)

 

Vừa như một lệnh truyền, vừa tha thiết như tiếng thao thức mời gọi của Người yêu.  Tôi là ai? Tôi đến cuộc đời này với mục đích gì? Nếu cứ mãi ưởm ừ, ương lười chìu theo bản thân thì tôi có khác gì những thụ tạo khác?  Tôi không giống chúng. Tôi biết mình thật đặc biệt và được trân quý vô cùng trong ánh mắt và tình yêu của Đấng tạo hóa. 

 

-Phải lên đường!  Phải đi tìm!  Phải chọn lựa!

 

Tạ ơn Chúa, con không đi một mình.  Nếu không có anh chị em nâng đỡ, chẳng biết khi nào con mới đặt được bước chân đầu tiên xuống đường.

 

Biết tôi là lính mới, anh chị em chọn con đường dể dàng và ngắn nhất để đi.  Tôi đi chậm lắm, nên mọi người cứ phải dừng lại chờ.  Nếu là mấy năm trước, chắc là tôi sẽ khó chịu với chính mình vì đã khiến cho hành trình của người khác bị chậm lại.  Nhưng lần này, tôi đón nhận sự nâng đỡ với lòng biết ơn, đan xen niềm vui thưởng thức hương vị được thương. 

 

Đi một đoạn, cả nhóm quyết định chọn đi con đường có dốc cao vì vẫn còn sức.  Trước đó, cũng có lần cùng một vài người bạn đi dọc theo triền núi xuống biển, tôi đã từ chối bám lấy tay anh em để đi được an toàn hơn.  Tôi không muốn là gánh nặng cho người khác.  Không hiểu sao lần này, tâm tình tôi khác hẳn. 

 

-Để em cầm hộ bình nước.  Túi xách của em ít đồ hơn chị.

 

Tuy khá là e dè, nhưng xem chừng Chúa muốn tôi đón nhận thiện ý này. Tôi bắt gặp hình ảnh của Anh Cả Giêsu lê từng bước mệt mỏi trên đường lên núi Sọ trong bóng dáng nhỏ nhắn, với đôi vai gầy của người chị em mình. Tất cả chúng tôi đều mệt, Anh Cả Giesu cũng đầm đề mồ hôi. Qua con dốc đầu tiên, chúng tôi chỉ trò chuyện với nhau qua ngôn ngữ của ánh mắt.  Thật long lanh và đầy sức sống, lẫn cảm thông. Lúc này, tôi nghĩ đến những mỏng dòn yếu đuối và cả những dính bén không lành mạnh của mình. 

 

-Cần phải thay đổi!

 

Thấm thía hơn khi lắng nghe tâm tình của người chị em:

 

-Đã có kinh nghiệm trải qua này, bây giờ sẽ không nói là: "Chúa hãy cõng con trên vai" nữa, nhưng chỉ xin "Chúa hãy cho con được đi bên cạnh Chúa".

 

Tôi cảm được tâm tình của một người trưởng thành và nếm trải hương vị được yêu và biết yêu. 

 

Tôi biết ơn món quà "Kính sợ Thiên Chúa" được nhận lãnh ngày Thêm sức.  Vì thương mà sợ người yêu mình phải nhọc lòng và đau buồn bởi những yếu đuối lầm lỗi của mình.  Cảm mến tình thương được nhận lãnh, tôi cũng thương Người và nhắc nhở bản thân phải sống cho thật tốt, mong mỏi đáp lại ân tình mà Thiên Chúa luôn ưu ái dành tặng cho tôi.  Nếu không có tình yêu Chúa bao bọc, giờ này chẳng biết lưu lạc ở nơi khốn khó nào.  Tôi thấy mình như chiếc bình sứ đã được Cha Chí Ái, người thợ gốm tỉ mỉ điêu khắc, phối màu thật hài hòa, các vết nứt xấu xí giờ lại trở nên đẹp và giá trị hẳn. 

 

Tạ ơn vì được ở trong bàn tay của Người. 

 

Con dốc cao thiệt, vừa đi vừa thở hổn hển.  Tôi nghe tiếng tim mình đập thình thịch. Nếu không có nhóm đi cùng thì tôi đã quay đầu lại, không thể đi tiếp tục. Lòng biết ơn Thiên Chúa đã gởi những người bạn tốt lành đến bên, cùng đồng hành đã tăng thêm sức mạnh trong tôi,  giúp tôi có thể tiếp tục bước. 

 

Và thế là ngày đầu tiên đi bộ được hơn tám dặm.  Một kết quả tôi chẳng bao giờ nghĩ đến sẽ đạt được.

 

Tôi nghĩ đến hành trình thiêng liêng của mình.  Nếu Chúa muốn, thì có việc gì mà không được chứ.  Tạ ơn trong mọi sự.


3

GIÀY VÀ GẬY

 

Tôi thức dậy từ  4 giờ sáng chuẩn bị và lái xe đến điểm hẹn để tháp tùng đi với anh chị em. Lần này  tôi hăng hái hơn vì đã sắm được gậy và giầy.  Thế nhưng, có quá nhiều điều mà bản thân chưa được biết đến.  Các anh chị có kinh nghiệm đi bộ hành, khuyên:

 

-Phải đổi lại. Giày này không thể đi đường xa và leo núi được.

 

Hôm đó, tôi phải mượn giày của chị em.  Bước đi trong đôi giầy của người khác tôi thấy không được thoải mái cho lắm.  Nhưng đứng trước sự nhiệt tình và ân cần quan tâm của người chị em, tôi tự bảo bản thân, "Trái đất tròn, và để có thể bước vững trên nó, đôi tay cần phải đưa ra nắm lấy nhau.  Không ai có thể đi một mình trên hành trình này. Chúng ta cần nhau.  Và tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy với những ai mà Thiên Chúa gởi đến cho tôi với tất cả lòng cảm thông và yêu thương."

 

So với ngày đầu tiên, tim tôi bớt đập loạn xạ hơn khi leo dốc.  Nắng lên cao, nhìn anh em mặt mày bơ phờ, áo ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẫn nhẫn nại dừng lại chờ nhau. Chốc chốc lại lên tiếng nhắc nhở:

 

-Khi lên dốc, bước chân phải kiên định, chắc chắn,

lưng thẳng, mắt nhìn về phía trước.

 

Lòng tôi có chút áy nấy nhủ thầm:

 

-Phải cố gắng nhiều hơn, không được phép ù lì lười biếng.

 

Những ngày kế tiếp tôi đã mua được vớ và giầy đàng hoàng.  Lòng nôn nao, mong đến cuối tuần để được tập đi bộ cùng anh chị em.  Khổ nổi, giày mới mang đau chân vô cùng.  Đời là cuộc đấu tranh liên lũy. Luôn không ngừng được cải biến khi đối diện với những khó khăn.  Chúng ta sẽ vượt qua, sẽ dành được phần thắng lợi. Tuy nhiên bao giờ cũng phải trả giá.

Như thường lệ, chúng tôi bắt đầu từ dưới chân núi và dừng lại nghĩ lấy sức khi lên đến đỉnh.  Nơi đây anh em từ các nhóm gặp nhau hàn huyên một tí, sau đó lại tiếp tục quay về bằng con đường của riêng mình.  Tin là mình có thể đi được. Nhưng tôi càng biết mình cần phải dưỡng sức vì không chỉ có đi có lần này, mà còn rất nhiều những lần kế tiếp. Tôi cần phải lượng sức mình, nếu rủi có chuyện gì, đường dốc cao và gập ghềnh như vậy sẽ rất phiền anh em. Lúc này hai bàn chân và đầu gối tôi khá là đau. Im lặng làm anh hùng rơm trong lúc này thật không nên, vì thế tôi chọn lên tiếng khi nghe mọi người nói sẽ đi vòng lại bãi đậu xe bằng một con đường khác, dài hơn.  Cả nhóm quyết định đi con đường ngắn chút để quay về.

 

Ý nghĩ rút lui, muốn bỏ cuộc chưa xuất hiện khi này. Tôi chỉ mơ hồ tự vấn bản thân:

 

-Không lẽ mình chân mình yếu đến độ đó sao? Tại sức lực không đủ hay chỉ vì không có ý chí?

 

Bắt đầu một việc gì, không có ngoại lệ, mọi người đều phải đối mặt với thử thách, gian nan và cần phải cố gắng. Tôi muốn thế nào?

 

-Ganh đua, tìm cách để có thể bằng anh em thì không nên. Nhưng bắt chước gương nhân đức, ý chí phấn đấu vượt khó khăn với ước ao ngày một trở nên tốt lành và thánh thiện hơn, thì là đó là việc tốt.

 

Nhớ lại lời của Cha già linh hướng lúc này giúp tôi thêm phấn chấn và vững tâm hơn. Tạ ơn Chúa, trong từng bước chân luôn gởi người đến để nâng đỡ con.  Cám ơn Cha và anh chị em.

 

4

BUÔNG

 

Đã mấy tuần rồi, cơn đau vẫn không giảm. Đầu gối tôi nhứt buốt, chân tôi đau đến nổi lâu lâu phải ngồi nghĩ. Người chị em trong nhóm ngõ ý bóp chân giúp tôi. Để người khác động vào chân của mình, nhất là lúc này mùi mồ hôi và bụi càng làm tôi e dè và ngượng ngùng. Nhưng đứng ở một góc cạnh khác để suy tư, lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn. Nếu nhìn sự việc trong đôi mắt Chúa, bất cứ điều gì cũng là hồng phúc. Kinh nghiệm này giúp tôi học biết ý tứ và cảm thông với người khác hơn. Tôi hiểu được để có thể buông xuống, mở lòng cho người khác nhìn thấy những yếu điểm của mình là điều chẳng dể dàng. Lâu lâu, người chị em lại quan tâm hỏi:

 

-Chân chị đau lắm hôn?

 

Tôi ghi nhận tình thương này. Ý chí kiên định, nhưng thân xác thì nặng nề. Tôi chọn lựa chìu theo bên nào? Lúc này, tôi chỉ muốn tập trung vào bước chân, nhìn thẳng và bước đến phía trước. Tôi không muốn nghĩ đến cơn đau, bởi vì than vãn hay hướng sự chú ý của mình đến nó, thì nó sẽ nhõng nhẽo và quật tôi xuống.

 

Trong đời sống chúng ta luôn phải đối diện với những chọn lựa. Tôi muốn đi với ai? Và muốn đọc những quyển sách nào? Tin chắc ơn Chúa đủ, để tôi có thể chọn lựa điều tốt nhất cho mình

 

-Trước mỗi quyết định, đâu là điều mà tôi thật sự ao ước?

 

Chọn lựa luôn đồng nghĩa với buông xuống. Không ai làm tôi hai chủ. Và đôi bàn tay cũng không thể nắm giữ mọi sự. 

 

Giêsu yêu dấu, con biết ơn vì cảm nếm được sự ngọt ngào có Người trong đời con. Xin ban ơn khôn ngoan và sự can đảm để con có thể tháo gỡ những dính bén khiến đời mình đi xuống và lạc lối.  Ước gì mỗi chọn lựa của con đều đến từ chọn lựa của Người. 

 

5

PHẢI CÓ THÌ MỚI TRAO RA ĐƯỢC

 

Cả tuần lễ nay mưa liên tục.  Vì sự an toàn, các ngã lên núi đều đóng. Âu cũng là dịp tốt để được ngắm vẻ đẹp của thành phố. Khác hẳn với những con dốc gập ghềnh đầy sỏi đá, và đất, đường đi hôm nay hầu hết đều đã trán nhựa, có đoạn được lót đá rất đẹp.  Khá là thích thú được vì có thể ngắm hoa và bướm dọc theo lối đi. Nhưng đi lâu thì chân đau buốt. Lúc này, tôi chỉ thèm được bước trên con đường đất, hay những khúc quanh bên trong các triền núi. Điều gì cũng có hai mặt.  Tôi nghĩ đến nhắc nhở trong Nguyên lý và Nền Tảng, “giữ lòng bình tâm, không nghiêng về bên nào quá.”  Đừng đứng núi này trông núi nọ, bằng lòng và tận hưởng phút giây của hiện tại, sẽ thấy đời thật đáng yêu.

 

Hôm nay chân tôi đau nhiều.  Người anh trong nhóm bảo tôi:

 

- Thúy Hương ngồi lại đợi ở đây.  Mọi người sẽ đi đến bãi đậu xe và quay lại đón.

 

Lúc chân đau quá, trong lòng cũng manh nha ý muốn này. Nhưng khi được ngõ ý thì trong tôi lại có một thôi thúc khác. Không phải là tôi muốn tỏ ra anh hùng gì, chỉ là tôi biết sức mình vẫn còn có thể bước. Và điều quan trọng là tôi không muốn dể dàng bỏ cuộc. Tôi muốn đi cho đến khi không thể chịu nổi nữa mới thôi.

 

Lần này tôi nhận ra nếu mình không có sức, bản thân không tự lo được, sẽ phiền đến anh em. Tôi nghĩ đến người thân và càng thương họ tôi càng phải sống cho thật tốt, phải biết trân quý và chăm sóc tốt cho chính mình. Chỉ như vậy thì tôi mới có thể nghĩ đến chuyện lo cho người khác.

 

Nhìn lại lòng mình và các mời gọi phục vụ, tôi hiểu chẳng sao có thể chuẩn bị cách trọn vẹn và đầy đủ.  Điều thiết yếu là chỉ cần làm với tất cả tâm lòng yêu thương và sự nhiệt thành.  Tấm gương của Thánh I-Nhã là động lực giúp tôi bước tới.  Tôi muốn học nhân đức khiêm nhường, cũng như bắt chước Ngài cố gắng không ngừng trao dồi bản thân, " Muốn giúp người khác nhận ra Chúa, thì bản thân cần phải có mối tương quan với Ngài.”  Nếu không biết Ngài, sao có thể giới thiệu cho người khác.  Tôi thấy mình cần phải nghiêm chỉnh luyện tập cho mình một đời sống thiêng liêng có kỷ luật hơn.

 

Hôm nay tôi nghĩ nhiều đến Thiên Ân. Nhớ khi ấy, đứa trẻ đang học lớp tám.  Đôi bàn chân thẳng băng, người huấn luyện viên đã từng e dè đề nghị tôi khuyên con từ bỏ ý định chạy LA marathon, 26 dặm. Thế nhưng thằng bé nhất định kiên trì không bỏ cuộc. Mỗi ngày vẫn theo các bạn tập luyện sau giờ học. Đến ngày chạy bộ thật sự thì trời mưa to và dai dẳng đến ba giờ chiều mới ngớt. Nhìn thấy dáng con đi bên người bạn, vừa lạnh vừa lét từng bước. Chân con lúc này chắc là đang tê buốt và đau lắm.  Điều tôi có thể làm lúc đó chỉ là mua cho hai đứa trẻ này ly sữa nóng, hy vọng có thể giúp tụi nó được ấm lại một tí. Xem chừng thằng bé đi bên cạnh con mình không khỏe. Peter có thể tiếp tục hành trình, nhưng quyết định không bỏ bạn ở lại một mình.  Con trẻ chọn đồng hành với bạn cho đến lúc biết được bạn mình an toàn bên cạnh bố mẹ thì mới đi tiếp. Có lẽ vì vậy thời gian bị kéo dài, đã vượt quá thời hạn cho phép, thằng bé bị bắt dừng lại không được đi tiếp ở trạm cuối cùng sau khi đã hoàn tất 22 dặm. Tuy không mang về được phần thưởng, nhưng trong lòng tôi, con là người chiến thắng. Tôi thà là con không có được chiếc cúp vinh dự, còn hơn là bỏ bạn một mình giữa trời mưa. Mẹ tự hào về con.

 

Tôi nghĩ đến bản thân, con làm được, mẹ cũng sẽ được. Cả hai chúng ta cùng cố gắng.  Mỗi bước tôi đi trong lúc này, đều có ý âm thầm dâng lên Thiên Chúa bọn trẻ.  Ước ao bọn nhỏ cũng tìm được những người bạn đạo đức, thánh thiện. Xin cho chúng cũng can đảm xuống đường đi tìm cho mình ý nghĩa và mục tiêu của cuộc sống.

 

Lần tập luyện này tôi nhận ra mình cần một trái tim biết cảm thông, nhẫn nại, kiên trì và lòng mến cũng như hiểu được trước khi có thể trở nên một người hữu dụng, tôi cần phải chăm sóc chính mình. Nếu không sẽ chỉ là gánh nặng cho người khác.

 

6

THÓI QUEN

 

Dừng lại mấy tuần lễ không tập đi bộ vì gia đình anh chị trong nhóm có chút việc riêng.

 

Thật ra đây chỉ là cái cớ để tôi lười mà thôi.  Lười biếng là một cơn cám dỗ thật khó lòng vượt qua nếu cứ ưỡm ờ chìu theo nó.  Nhớ có hôm đang trên đường đi, cả nhóm phải quay về vội vàng để lo chuyện nhà.  Khi này lòng tôi thầm mừng vì đôi chân đã nhen nhóm nhói đau.  Thay vì nhìn phía trước để tiến tới, đầu óc tôi cứ lãng vãng tự vấn,

 

-Có nên đi tiếp không? Đã mấy tuần rồi sao chẳng thấy thuyên giảm. Tại chân mình có vấn đề hay đây chỉ là việc thường tình đối với những người mới bắt đầu tập leo núi?

 

Nếu cứ dồn lý trí tập trung đến điều gì đó, thì dần dà những điều khác xảy ra xung quanh sẽ lu mờ, nhất là khi điều đó có xu hướng nuông chìu cơ thể vốn luôn nặng nề biếng nhác. Tôi không muốn bị loay hoay trong vòng luẩn quẩn này.  Việc cần làm đó là: đi bác sĩ để có câu trả lời về mặt thể lý, và cũng cần ý thức rằng bất cứ việc gì bắt đầu cũng cần phải đối diện với thách đố.  

 

Tôi không cho phép mình bỏ cuộc.  Chẳng phải vì muốn chứng minh với bản thân điều gì,  tôi chỉ là muốn sống những điều mình nói.  Há chẳng phải tôi vẫn dạy các con, “Trong mọi sự quan trọng nhất là hãy làm hết sức của mình với tất lòng thành tâm” ư? 

 

Tôi thấy như hụt hẩng và thiếu sót điều gì đó.  Tôi cần phải chú tâm hơn vào việc rèn luyện cho mình một thói quen giữ kỷ luật.  Điều này nên phải nghiêm chỉnh quan tâm và thi hành trong cả hai lãnh vực đời sống thường nhật và cả trong đời sống thiêng liêng.  

 

7

ĐỨNG DẬY MÀ ĐI

 

Ngày qua, tôi hiểu nếu không giữ được sự liên tục tập luyện trong lúc này, thì những cố gắng trước đó sẽ trở nên công cốc, vô hiệu.  Vì thế tuy không thể đi cùng anh chị em trong thời gian này, tôi vẫn dành giờ tự luyện tập. Thiên Chúa làm việc rất lạ lùng. Ngay lúc mà tôi cho rằng, mình chẳng thể suy nghĩ được điều gì lại chính là lúc tôi vui vẻ sống trọn vẹn phút giây của hiện tại.  Tôi có thể nghe được tiếng nói căng thẳng đang đấu khẩu đối chọi nhau trong nội tâm của mình khá là rỏ ràng.  Sự mỏi mệt của thể lý khiến tôi cứ không ngừng tìm cớ để đầu hàng.  Nào là, "Coi chừng không đủ sức, làm phiền anh em", "Đâu nhất thiết phải làm khổ mình đến vậy."

Nhưng những ý nghĩ đó cứ chợt đến rồi lại đi, nhường chỗ cho sự ngạc nhiên vì không hiểu vì sao trong tôi lại như có một sức mạnh, lòng hăng say và vui thích lạ lùng. Phải chăng đây chính là chiều kích hành hương mà Cha Cao Gia Ân nói đến, “người hành hương là người có khả năng bước tới, băng ngang qua cánh đồng của cuộc đời mình để có thể chạm đến những điều mà lòng hàng khao khát.”

 

Ý thức được điều này, đối diện với những biến cố trong cuộc sống, và can đảm đi qua nó với ước ao được cảm nghiệm sự động chạm của Thiên Chúa trong cuộc đời, mang đến cho tôi nguồn hy vọng. Tôi tin mình sẽ làm được. Sẽ có thể theo kịp anh em trên đường bộ hành.  Suốt cả tuần lên xuống các bậc thang từ tầng triệt đến lầu bốn cả chục lần chẳng thấy gì.  Có ngày lòng phấn khởi dường như đã bớt mệt hơn nhiều so với trước đó.  Ấy thế mà, đến đêm trước ngày đi bộ thì lại “nghe” đau đầu gối. Tôi bắt đầu để ý đến những cơn cám dỗ trong đời. Thật nhẹ nhàng, nhưng vô cùng xảo quyệt.  Đâu có gì, sức khỏe mà, tìm cách khác... nghe thiệt là có lý quá mà! 

 

Tôi nhận ra mình quá mong manh và dể vỡ trước những mưu chước của ma quỷ. Quả thật nếu chỉ tựa vào sức của mình, tôi không làm được.

 

-Lạy Chúa, con cần Chúa biết bao.

 

Thêm vào đó mấy tuần lễ nay người nhà rầy: "Đi bộ làm gì, nguy hiểm.  Cần phải lo lắng cho gia đình hơn..."

 

Người thân luôn chiếm vị thế khá đặc biệt trong lòng của tôi.  Và tôi yêu gia đình của mình lắm. Mỗi người đứng ở một góc cạnh khác nhau để nhìn sự việc nên có khác biệt. Đúng sai tùy ở lòng mong mỏi và mục đích sống của riêng mỗi người.  Tôi cần phải đặt cho mình một giới hạn, điều gì cần làm và sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để có thể chu toàn bổn phận trong khả năng được trao ban. Chỉ có vậy tôi mới có thể tìm được nguồn vui, và đủ sức để bước tiếp.

 

Nhiều khi chỉ một động thái nhỏ bé thôi với tất cả sự quyết tâm, có thể thay đổi mọi sự. Con người hơn thua nhau cũng bắt đầu từ sự tự do chọn lựa này. Nhớ chỉ mới đây thôi, nếu có ai mà rủ tôi đi tập thể dục, chạy bộ chừng 30 phút là tôi đã cười phì, "chuyện này không có mình đâu, ở nhà tranh thủ ngủ thêm chút." Bước khó nhất là ba phút đầu tiên, ngồi lên và bước ra khỏi giường. Không qua được, thì khó lòng tiếp tục. Khá là nhiều lần tôi tự hỏi, "điều gì khiến cho các anh chị em bằng lòng rời khỏi chăn êm nệm ấm, nhọc thân vất vả đi bộ trên núi thế?"

 

Tôi thật chưa biết đâu là lý do để tôi có được mong mỏi trải nghiệm con đường bộ hành mà các thánh nhân ngày xưa và rất nhiều người ngày nay đang bước đi. Nhưng tiếng nói bên trong vẫn cứ thúc giục ngày càng thêm rộn rã, khiến tôi không thể không đi. Nhớ đến Cha Thomas Merton với lời nguyện xin của Ngài, tôi cũng thì thầm:

 

"Lạy Chúa, con thật chưa nhận ra con cần và nên xin ơn gì trên con đường bộ hành. Nhưng con tin nếu là ý Chúa, Chúa sẽ dẫn dắt và sẽ chỉ con biết con. Không có nghĩa tất cả những gì con làm là hoàn toàn theo ý Chúa, có thể vì kiêu ngạo muốn làm cho được của con chăng? Nhưng con không muốn nghĩ nhiều.  Đôi lúc khờ khạo, đơn sơ lại là một hồng ân bởi lẽ như Chúa nói đó, nước trời thuộc về những ai giống như các trẻ nhỏ.”

 

Hai tiếng nói, hai lời mời gọi vẫn cứ vang lên trong tâm trí, và tôi quyết định đứng lên, sữa soạn, làm chút cử động tay chân để chuẩn bị lên núi.  Mọi sự đã sẳn sàng, thì bổng dưng lại nghe nhói đau hai bắp vé phần dưới chân.  Tôi muốn gọi báo không thể đi. Nhưng nghĩ đến, nếu hôm nay mình ở nhà, thì người chị em sẽ đi một mình. Cách nào đó tôi thấy ấy nấy.  Mới hôm qua thôi, tôi chia sẽ với các em trong lớp giáo lý, một trong ba nguyên tắc để phân biệt lương tâm tốt lành là "điều gì mình muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho người khác."(CCC 1789).

 

Dẫu biết nếu không có tôi, thì người chị em này vẫn sẽ đi một mình, nhưng cách nào đó tôi thương người chị em và không muốn làm vậy.  Thêm vào, nếu quyết định như thế, đồng nghĩa với bỏ cuộc.  "Một tuần chỉ đi một lần, ít nhất là trong những tháng đầu", tôi đã quyết định như vậy, nếu bây giờ không đi thì lần sau chắc là cũng sẽ không muốn đi, kết cục là đầu hàng. Không hiểu sao, lúc này lời Chúa phán với Môse, "Ta là Đấng Hiện Hữu. Ta sẽ ở với Ngươi"(Xh 3:14,12) khuấy lên trong nội tâm, có Chúa hiện hữu đi cùng, tôi còn sợ chi.

 

Há chẳng phải tuần nào, lúc nào, chỉ cần là có khe hở, là tôi đều nghe được tiếng rỉ rả, "ngủ đi, nghĩ đi, việc gì phải cố cho nhọc thân, không cần thiết" ư?  Nuông chìu với sự dễ dải, ương lười của thân xác là chiến lược mà thần dữ rất thích áp dụng. Phải cẩn thận chú ý! Tôi quyết định ra xe và lên đường.  Đôi co lý luận với thần dữ chỉ có bại trận thảm hại mà thôi.  Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu đã hứa ở cùng tôi, cứ vững tin mà xin được bước bên cạnh Người vậy.

 

Cha dấu yêu! Hôm nay, con nhận ra ở giây phút này, chuẩn bị cho con đường bộ hành sắp tới, điều Cha tỏ lộ cho con và cũng là khát khao của chính con đó là, "Xin cho con luôn vững tin vào bàn tay quan phòng của Cha, để con có thể sẳn sàng dấn thân và bước theo Cha, bất chấp nỗi sợ hãi và thói quen sống thoải mái của mình."

 

Linh mục Nguyễn Tầm Thường từng nói:" Trong cuộc sống, dường như không có hành động dằn lòng nào mà không có hoa trái của nó."(Kẻ đi Tìm).  Càng ngày càng bị cám dỗ dừng lại.  Động lực để tôi bước xuống đường hôm nay đơn thuần chỉ là không muốn để người chị em đi một mình. Bản thân rất lười. Chiếc giường ấm êm kia có sức quyến rủ thật không thể giởn mặt.  

 

Đến nơi hẹn mới biết có thêm một người nữa tháp tùng đi cùng. Cô bé này có chút vấn đề về sức khoẻ.  Thông thường em đi với một nhóm khác và đi con đường ngắn hơn. Thế là trong lòng lại có tí mong muốn nếu em lên tiếng đừng đi đoạn đường quá dài, tám dặm thôi, thì hay.  Lười!

 

Tôi xấu hổ với ý nghĩ này, tự thấy mình đúng là kiêu ngạo rởm.  Sợ nhưng lại không dám nhận, mong người khác lên tiếng thay mình.  

 

Tuy nhiên mọi sự hoàn toàn không như ý muốn (có lẽ Chúa muốn giúp gội rữa bớt cái nhớt lười biếng trong tôi), chị em quyết đinh đi con đường khó khăn hơn những lần trước. Đường "con rắn", đường "con thằn lằn". Độ bốn dặm đầu tiên, còn sung sức tôi bước sải dài.  Thầm tạ ơn Chúa, chân con không còn nghe đau nữa.  Trên đường đi, dẫu là tập cho chính mình, nhưng như Mẹ vẫn hay nói:

 

-Không để cho bất cứ một hành động nào của mình trở nên hoang phí.

 

Tôi âm thầm dâng lên Chúa những vất vả này với ý nguyện cầu cho bọn trẻ được ơn trở lại, có được những cuộc gặp gỡ đầy ân sủng và đừng phải sống trong tình trạng mất ân sủng quá lâu. Hơn tám năm nay, tôi bâng khuân nhiều cho đời sống của giới trẻ. Tôi thương các con, thương các em. Nhưng tôi phải bắt chước Chúa Giêsu, tôn trọng sự tự do chọn lựa của chúng, tiếp tục cầu nguyện và chơ đợi.  

 

Phải nói là hôm nay tôi nếm được cái đau.  Sau chặng nghĩ đầu tiên, tôi bắt đầu thấy mệt.  Đầu gối đau, bắt đầu lết. Nhưng lạ lùng là cho đến khi hoàn tất chuyến đi, tôi không hề cảm thấy có tiếng gọi rút lui, hay tâm trí mệt mỏi tự trách mình sao lại làm khổ chính mình.  Ngược lại tôi cảm nhận một niềm hân hoan vui mừng. Gió thật nhẹ nhàng, mát mẻ khi bước vào đường nhỏ, cứ như ve vuốt mơn trớn khuôn mặt tôi.  Hương đất len lỏi như đi vào và ở lại từng ngõ ngách trong người tôi. Có lúc tôi chống gậy ngồi xuống để lấy sức đi tiếp. Vài câu nói đùa trên đường cũng làm chị em quên nhọc nhằn, "phải ráng mà đi, lết cũng phải đi, nếu không ai mà vác nổi mình lúc này." Tôi nghĩ nhiều đến cuộc sống. Bao lần ngần ngại, mỏi mệt; những khi đối diện với bóng đêm khiến bản thân lần mò sợ hãi- Phải chọn lựa thôi, phải dứng phất dậy giữa những đau đớn. Con đường trước mắt còn bao xa, tôi không rõ. Nhưng nhất định là không thể dậm chân một chỗ. 

 

Phải bước tới! Bước tới. Bước về phía trước!

 

Tôi nghĩ đến sự "Hiện Hữu" của người yêu Giêsu (cách đây 5 năm tôi không dám gọi thế). Tôi chọn đi bên Ngài. Nhìn ngắm và lắng nghe rất nhiều kinh nghiệm của nhiều người, tôi hiểu chọn lựa những người bạn đồng hành vô cùng quan trọng, vì họ có thể nâng tôi lên, nhưng cũng có thể quật tôi xuống, đạp tận đáy bùn sâu.  Tôi biết sức mình và cũng không dám cậy vào sức mình. 

 

Hành trình sống này, tôi chỉ mong trao ra với tất cả tình thương và nếu ngày nào đó Chúa muốn thì Chúa kéo họ về lại bên Người.  Tôi tin chắc sở dĩ tôi có thể lết đi trong vui vẻ, không hề cảm thấy nhọc nhằn khó chịu là vì sự Hiện Hữu, của Chúa Giêsu, Ngài đang sánh bước cùng tôi. Tôi không đi một mình. 

 

Làm sao giải thích được sự "Hiện Hữu" của Giesu?  Cám ơn các anh chị em đã đồng hành, nâng đỡ và thêm sức cho tôi. Vâng, con tạ ơn Cha, vì Cha vẫn hằng hiện hữu bên con qua sự hiện diện của các anh chị em này.  Xin tiếp tục đồng hành và thêm sức cho chúng con.

 

Ngày đã qua, con ngủ đây. Hôm nay quả là một ngày thật vui.  Kết quả ngoài dự đoán mà con có thể nghĩ ra. Chị em chúng con đi được 11.4 dặm, leo độ cao 2,208 feet trong vòng 4 tiếng 42 phút đi bộ. 

 

Nếu sáng nay không dằn lòng, bước xuống đường, thì chắc chắn sẽ không sao cảm được niềm vui nhận ra trong mình có một sức mạnh tiềm ẩn khá là tuyệt vời.  Thật lãng phí tình yêu của người tặng quà, nếu như mình không chịu mở nó ra và sử dụng. Tạ ơn Cha. Và các ơn các anh chị em

 

Bên cạnh đó, vì là đi con đường mới, nên tôi có dịp được mở mắt.  Có rất nhiều đường đi. Mỗi nhóm, mỗi người có lối đi riêng.  Nhưng cuối cùng vẫn nhập lại ở một điểm.

 

Cha yêu dấu, con thấy trước mắt là đường. Thế nhưng sao con lại hình dung một cánh cửa đang chờ đợi trước mắt.  Con cũng vẫn chưa biết mục đích chuyến đi này, Cha muốn con thế nào. Xin tiếp tục mở ong trí để con ngày càng có thể thấu hiểu ý muốn của Cha dành cho.

 

8

ĐI LẦN NỮA

Hôm nay khi lên hết con dốc đầu tiên, anh em bảo nhau đi hai lần con đường Po.  Đã đi một vài lần, nên tôi không còn sợ xuống dốc nữa.  Nhưng trên đường quay ngược lên không hiểu có phải vì tâm trí lười biếng cho nên đầu óc và thể xác được dịp càng làm nũng. Tôi lết từng bước và thấy mệt vô cùng.  Lòng tự hỏi:

 

-"Việc gì xảy ra, những lần trước đi khá lắm mà, sao kỳ này bước chân nặng nề đến thế."  

 

Cô bé đi cùng lâu lâu cũng lè lưỡi than mệt.  Lần này tôi lên tiếng với cô bé:

 

-"Chắc đi con dốc này một lần thôi."  

 

Cô bé mặt đỏ rừng vì mệt, nhưng chỉ im lặng bước, chốc chốc dừng lại nghĩ để lấy sức.  Đến gần hết đoạn đường, gặp một anh trong nhóm.  Tưởng sẽ như những lần trước, anh sẽ bảo:

 

-"Mệt quá thì dừng lại."

 

Ai dè anh ta bảo: "Đi lần nữa."  

 

Bản thân tôi không muốn ngồi giữa đường chờ trong khi vẫn có thể bước. Lúc này không có đồng minh nào làm biếng chung với mình nữa, lập tức ý nghĩ bỏ cuộc tan biếng.  Tôi tập trung bước về phía trước. 

 

Nếu không có anh em thì tôi đã chìu theo thân xác nặng nề biếng nhát của mình rồi.  Khi này tôi nhận ra Thiên Chúa luôn dò trước sau và chuẩn bị cho tôi. Tuỳ thời điểm, lúc cần ủi an, chăm sóc, lúc phải cương quyết để giúp tôi lớn lên.  Tôi muốn gì, những yếu điểm trong tôi, Ngài thấu suốt.   Thế cho nên Ngài thinh lặng, cho tôi cơ hội tự quyết định.  Sống từng tuổi này, tôi không còn là đứa trẻ để cứ mãi vòi vĩnh.  

 

Tôi hình dung thái độ của từng anh chị em trong lúc này.  Bước chân người chị em phía trước thật vững chắc. Dù mệt, nhưng vẫn không thối lui của cô bé.  Giọng nói cương quyết của người anh trong nhóm...chẳng ai chìu ý tôi lúc này, lại là quà mà Thiên Chúa ban để đẩy tôi lên khỏi cái xu hướng nương chìu theo bản ngã chậm chạp và ngại đổi thay. 

 

Đi được một chập, thì trong lúc dừng lại lấy sức, người anh trong nhóm hỏi:  

 

-"Động lực nào đã khiến mình có thể thức dậy từ lúc 4 giờ sáng, chui ra khỏi chăn êm nệm ấm để lên núi đi bộ với anh em?"  

 

Tôi chỉ có thể trả lời: "Chỉ vì lời hứa.  Hứa với chính bản thân. Hứa với anh em.  Động lực thúc đẩy có lẽ là chữ tín.  Và để có thể bước là bởi vì nhìn thấy gương của anh em, tôi bám vào và theo cùng."  

 

Tôi nghĩ đến dân Do Thái, đi ròng rã 40 năm trong xa mạc để có thể đến được vùng đất hứa.  Họ cũng phải trải qua bao gian nan thách đố.  Có rất nhiều điều không thể nhìn thấy được ở tương lai. Nhưng với niềm tin, lòng thành tín vào lời giao ước của Thiên Chúa, họ vẫn tiếp tục bước về phía trước.  

 

Lạy Chúa, Ngài hứa ban gì cho con trên hành trình này?  Có cần thiết phải đi đoạn đường này không?  Sức lực, thời gian, tiền của và cả những chống đối...Nhưng con tạ ơn vì lúc này dù long có chút ý muốn thoái lui, thế nhưng đôi chân vẫn đều bước. Con biết Cha đang đi trong con. 

 

Hôm nay chân tôi vẫn tiếp tục đau, chỉ đi 9 dặm là quay về.  Cám ơn anh chị em đã song hành và nâng đỡ, giúp tôi tiếp tục bước. Nếu không có anh em, tôi chịu thua.  Có điều rất lạ đó là khi về nhà thì mọi cơn đau biến đâu mất. Tôi có thể tiếp tục lái xe cả tiếng lên thăm Mẹ và người nhà, hay thậm chí có thể ra vườn sau nhà nhổ cỏ dọn dẹp cả buổi chiều hôm ấy.  


9

MÓN QUÀ BẤT NGỜ

 

Tuần lễ này anh chị trong nhóm có việc nhà không đi bộ được.  Tôi tháp tùng đi với một nhóm khác.  Càng có lý do để ở nhà.  Cái tiếng rù rì:

 

"Ngủ tiếp đi. Gọi báo anh chị em bên đó một tiếng là xong.".   

 

Bên kia một giọng nói khác:" Đứng dậy! Không được lười biếng bỏ cuộc."

 

Tôi đến điểm hẹn đúng giờ, lòng mừng lắm vì cô bạn này bảo:

 

-"Hôm nay không đi lâu được.  Tụi em hẹn nhau đi thăm chị Hoàng."  

 

Đường đi lần này nhẹ nhàng, không leo quá nhiều con dốc cao.  Vì thế tôi có thể tập trung suy niệm.  Không hiểu sao lần này tôi lại tò mò muốn biết khoảng thời gian Chúa trưởng thành cho đến lúc thật sự bước vào sứ vụ, Người sống ra sao?  Bạn của Người là những ai? Tâm tính của những người ấy ra sao? Khi đồng hành với các bạn, Chúa Giesu là ngừoi dẫn đầu; là người lâu lâu đứng lại chờ anh em; là người đi từ từ đằng sau để trò chuyện ...Tôi nhìn thấy hình ảnh Thầy Giêsu ngồi thinh lặng giữa đồng trống, nắng, cô tịch.  Dường như Người muốn được một mình trong lúc này.   Tôi chỉ muốn len lén ngắm Người từ đằng xa.   Tôi nghĩ đến mối tương quan giữa Chúa và các bạn của Người; mối tương quan giữa Người và tôi.  Trong nhóm bạn mà tôi từng quen biết cả mấy chục năm trước, có còn được mấy ai.  Cuộc sống, những bận bịu, cách nghĩ khác biệt dần đẩy chúng tôi xa nhau.  Dẫu biết đến lúc nào đó, những sôi nổi trên bề mặt sẽ nhường cho sự thinh lặng. Cuối cùng sự hiện diện bên nhau vẫn là điều cần hơn cả.  

 

Tôi nghĩ đến chị Hoàng.  Nếu không có những lần tôi lên tiếng nhờ chị giúp linh hướng hay học ở chị cách chia sẽ đề tài thì chúng tôi thật sự là không có dịp nói chuyện với nhau.  Tôi quý mến và biết ơn. Dù sức khoẻ có hạn, chị chưa bao giờ từ chối và luôn dành giờ cho tôi.  Từ lúc biết chị quyết định không làm chemo nữa mà chỉ xin anh chị em hiệp ý xin cho chị được ơn chết lành, tôi không dám lên tiếng nhờ chị giúp.  Tôi nhớ chị và mong được thăm chị. Dù chỉ là chào và lẳng lặng nghe anh chị em trò chuyện với chị cũng đã quá đủ.  

 

Hôm nay Chúa ngồi đó một mình, tôi nghe như có lời:" Hãy đến với Ta."

 

Hình ảnh Chúa và chị Hoàng cách nào đó đan xen trong nhau. Tôi xin được tháp tùng cùng chị em đi thăm chị Hoàng. 

 

Tạ ơn Chúa. Nếu sáng nay không thức dậy cùng đi bộ với nhóm chị em này, con sẽ lỡ mất cơ hội được thăm chị Hoàng.  Trên đường đi luôn có những món quà bất ngờ.  

 

10

RÈN LUYỆN THÓI QUEN

 

Mấy tuần không tập đi bộ, hôm nay đi trở lại, chân đau vô cùng.  Ý nghĩ bỏ cuộc càng được nước làm tới trong tôi bao nhiêu thì cảm thức được sự cần thiết của việc luyện tập những thói quen, nhân được cũng càng thôi thúc bấy nhiêu.  

 

Tôi đặt cho mình mục tiêu mỗi ngày phải đi bộ ít nhất là 5 dặm, cùng lúc uống thêm thuốc bổ.  Kết quả khả quan tí.  Tôi bắt đầu thấy có chút ánh sáng.  Tuy không đi nhanh được như các anh em khác, nhưng đầu gối không còn bị tê buốt như trước nữa. 

 

Tạ ơn Chúa. Con thấy vui. 

 

Chúng tôi bắt đầu tập trung vào đường dài.  Đã có thể đi được 12 dặm trong hai ngày liên tục. 


***

Ba anh em đi được 11.6 dặm trong vòng 4 giờ, lên độ cao 2,3645 feet.  Dĩ nhiên đi lâu thì sẽ mỏi, nhưng chân không bị nhói buốt như trước nữa.  Cơ thể của mỗi người cứ như đứa trẻ vậy.  Nếu chìu theo nó, thì nó sẽ ỷ lại và nhõng nhẻo.  Nhưng nếu cương quyết không để cho ý muốn của nó làm chủ, thì lúc nào đó, nó sẽ đầu hàng và theo sự sắp đặt của mình. 

 

Đường đi hôm nay lúc đầu có 6 người. Nhưng giữa trưa nhóm kia đi về. Ba anh em tôi dừng chân nghĩ lấy sức rồi lại đi tiếp tục.  Tôi nghĩ đến hành trình của Ba vua.  Có lúc họ đi ngang hàng với nhau, khi thì mỗi người một tốc độ nhưng vẫn đi cùng một con đường.  

 

Nắng, nóng, thấm mệt, đường lại dài... tôi tự hỏi: "Không phải Chúa vẫn hằng ở bên con đó sao? Hành động "Lên đường" của Ba vua", của các mục đồng, cả của ba anh em tôi đây có ý nghĩa gì?" 

 

Quyết định lên đường này, mang laị điều gì cho tôi?  Người anh trong nhóm nói:

 

-"Đi là đi thôi. Không cần phải đòi có mục đích gì."  

 

Nếu những gì tôi làm không mang lại kết quả gì, liệu tôi có còn muốn bước đi không?  Tôi tìm gì khi quyết định đi bộ hành với anh em? Sinh hoạt cùng nhau cũng một khoảng thời gian, tôi mong được dành những tuần lễ nghĩ ngơi, được cùng song hành, lắng nghe nhau và kết thân với nhau? Tôi muốn nếm trải kinh nghiệm của một tâm hồn vẫn còn đầy sức sống, vác ba lô dong dũi trên đường cho biết đó đây?  Muốn thử xem sức mình đi được bao xa? Muốn được buông xuống những lo toan trong đời sống thường nhật để tận hưởng cảm giác của một người đang yêu và được yêu, song hành bên cạnh Anh Giêsu?  

 

Giesu ơi, thôi thúc này đến từ Người hay từ những thúc đẩy bên ngoài?  

Lúc này đây, con thấy mình như sống lại thời còn thanh xuân.  Cứ đi thôi. Kết quả ra sao không quan trọng cho bằng những cảm nghiệm có được trên đường đi.  Phút này đây, được đi bên Cha, thế đã quá đủ.  Con không nghĩ nhiều hơn. 

 

11

MƯA

 

Chúng tôi quyết đinh đi bộ dọc bờ biền từ Huntington Beach băng sang Newport Beach.  Mưa cả hơn tuần qua.  Hôm nay gió thổi mạnh, cát quất vào mặt, len lỏi vào tai.  Nhưng vì là đi đường trường, không leo dốc, tôi thấy vững tâm bước nhiều; sẳn sàng lẫn thích thú nếu có thể đi dài hơn thường lệ.  

 

Mấy tuần lễ nay tôi suy tư nhiều đến hành trình của Ba vua.  Hôm nay cũng chỉ có 3 chị em đi cùng. Về mặt thể lý tạm thời bớt lo chút vì tin rằng mình có thể đi được.  Nhưng những trở ngại về mặt tâm lý thì lại tăng dần.  Tôi không thể nói với người nhà ước ao của mình.  Tôi như con óc, chỉ muốn thu mình trong chiếc vỏ nhỏ bé của mình mong bình an.  Vẫn biết nói thì hay lắm, cần phải sống cho mình, không để người khác làm ảnh hưởng đến những quyết định.  Nhưng khi đối diện với thực tế, chẳng dể dàng như thế.  Tôi vẫn đến với người thân, vẫn làm những gì trong khả năng có thể.  Chỉ là tôi nhín ra một ít khoảng không gian để dành cho riêng mình. Quyết định này không làm tôi thấy có lỗi với gia đình,  nhưng xem chừng ra mỗi ngày càng trở nên lạc lõng giữa người thân.  

 

Giesu ơi, hôm nay chúng con đi được 15.6 dặm.  Lý ra con phải vui lắm chứ. Sao lòng con có chút man mát buồn.  Xin cho con luôn biết cảm thông và nhìn thoáng hơn trong mọi sự.  Con không thể thay đổi người khác cách nghĩ của họ. Con phải thay đổi chính con.  Mưa là ân sủng tuôn đổ? Mưa là gió bão, bất an? Tuỳ ở lòng mỗi người nhìn vào.  Xin ban cho con đôi mắt và xin hãy làm mới lại trái tim trong con, để con có thể nhìn thấy nhánh hoa đang đâm chồi đợi ngày vươn lên nở nhuỵ.  

 

12

NGÀY ĐẦU NĂM

 

Những ngày này tôi muốn dành giờ nhìn thật sâu những hoa quả thiêng liêng đã nhận được qua các hành trình thao luyện linh thao, đan xem cùng những mối tương quan trong ngày sống. Xin được ý thức rỏ rệt hơn những biến chuyển trong đời sống nội tâm, ngõ hầu có thể bén nhậy nghe và nhận ra khát khao của Chúa dành cho mình.  Cali bị hạn hán, nhìn cây cối khô cằn tôi mong mưa. Nhìn ra sân, giờ đây mưa xuống thấm ướt mặt đất, cây và hoa đâm chồi xanh tươi tràn nhựa sống. Đột nhiên tôi nghe lòng mình an bình cách diệu kỳ. Chẳng mong gì, chỉ khát khao được lặng yên và nếm hưởng lâu nhất có thể cảm giác được ngụp lặn trong suối nguồn ân thiêng. Một năm trôi qua, bao niềm vui, bao thăng trầm, tim tôi mềm và ấm hơn bởi:

 

*Lòng biết ơn.

*Khát khao yêu và trao tặng.

*Mong mỏi sự nâng đỡ lẫn nhau từ anh chị em.

 

Lòng biết ơn

 

Chẳng bút mực nào có thể diển tả hết lòng biết ơn của tôi, bởi lẽ mỗi phút giây trong đời đều là hồng phúc. Tháng 11 vừa qua trong suốt những ngày trên núi tĩnh tâm, tôi cầu nguyện với khoảng đời thiếu niên của Chúa Giêsu. Đoạn đời mà Kinh thánh không nhắc đến. Anh Cả Giêsu đã sống thế nào, làm gì trong thời gian ấy? Há chẳng phải 18 tuổi là đã đủ trưởng thành rồi sao? Điều gì đã khiến Ngài phải chờ đến 30 tuổi mới thật sự chính thức thi hành sứ vụ Chúa Cha giao phó? Thời gian này cũng đánh dấu đúng 30 năm, tôi được biết đến linh đạo của thánh I-Nhã qua những ngày tĩnh tâm linh thao. 

 

Nhắc đến linh thao, tôi tạ ơn Chúa đã cho tôi có cơ hội được sống qua những ngày ở trại tị nạn. Đặc biệt giữ Cha già NTT của đoàn TNTT Palawan trong lời nguyện hàng ngày như một cách thức đáp trả ân tình của Cha. Ngày từ giã trại, tôi khăn gói đi một mình, không một ai tiễn đưa. Có buồn chút, nhưng nghiệm lại tôi thấy mọi sự trên đời chẳng có gì là tuyệt đối. Dù là người thân, sức khỏe, địa vị, tiền tài, chẳng thể nắm mãi trong tay.  Điều mà tôi cần chính là được ở cùng Cha Chí Ái. Chỉ một câu của Ngài thôi:

- "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ"(Mt 14:27), là đã đủ cho tôi.  

 

Được ở cùng Ngài, có Ngài trong đời, tôi chẳng ao ước gì hơn. Hành trang tôi mang theo từ trại tị nạn, đến giờ này mọi cái đã không còn, rất cũ kỹ và bị vất đi từ rất lâu. Chỉ duy hai điều, đó là lời mời gọi "Làm phút hồi tâm mỗi ngày" mà trong một lần ngồi lại cầu nguyện dưới ánh đèn dầu leo loét Cha đã dặn dò chúng tôi, những huynh trưởng của đoàn thiếu nhi.  Kế đó là phép lạ được tham dự tĩnh tâm linh thao trước khi lên thuyền rời trại tị nạn. Hai món quà này rất quý giá và tôi vẫn hằng gìn giữ.  

 

Phút hồi tâm trong ngày giúp tôi biết rằng mình không đơn độc, Chúa vẫn ở bên tôi.  Người luôn yêu tôi, vẫn hằng mài dũa, công trình tạo dựng của Ngài trên tôi vẫn chưa hoàn tất.  Ngài vẫn đang tiếp tục không ngưng nghĩ uốn nắn, dạy dỗ tôi qua những biến cố trong đời sống.  Tĩnh tâm linh thao hàng năm giúp tôi có dịp được tạm thời gạt qua một bên, buông xuống những bận bịu, toan tính, lo lắng trong đời thường, có giờ nhìn lại đời mình trong suốt một năm qua, được nếm hưởng hương vị tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng.  

 

Tôi luôn tự hỏi mình: “Tôi là ai mà được yêu đến thế?” Tôi mỏng dòn, vụn vỡ, nhiều lỗi phạm, sao Chúa vẫn cứ chờ tôi, vẫn nhẫn nại ở bên tôi, thậm chí còn cho tôi cơ hội được cùng lao cộng tác với Ngài. Tôi là ai mà Ngài lại bận tâm đến là nhường ấy. Tôi nghe có tiếng thì thầm thật êm ái và đầy quyến rủ: "Vì Ta yêu con." Cảm giác được yêu, được là chính mình bên cạnh người hết mực yêu mình, thật tuyệt vời, thôi thúc tôi tiến sâu hơn vào mối tương quan với Ngài.

 

Khát khao yêu và trao tặng

 

Tình yêu phải được bày tỏ bằng hành động hơn lời nói. Tình yêu cốt ở sự trao đối từ hai phía.   Nếu tôi yêu và chỉ mong nhận lãnh, lấy cho thật nhiều ngõ hầu thoả mãn những khát khao của riêng mình, thì tình yêu của tôi quá là què quặt và ích kỷ.  Như bản tango, đôi bạn người bước tới, ắt người kia phải bước lui, cùng song hành theo nhịp sống.  Ngược lại sẽ dẫm đạp vào nhau và rời tay.  

 

Mùa đông năm nay, theo anh chị em đi bộ trên núi, có ngày nắng đổ, đôi chân lết từng bước; khi gió và cát quất vào người rát buốt; tôi nghĩ đến hành trình tìm gặp Hài nhi Giesu của Ba vua.  Vất vả chẳng kém gì.  Hình ảnh từng bước, từng bước tiến về phía trước của Ba vua thôi thúc tôi xuống đường tự đi tìm, trải nghiệm kinh nghiệm gặp gỡ yêu và được yêu trong tôi.  Đôi lúc nhìn theo bóng anh em đi phía trước, ai cũng thấm ướt mồ hôi, tôi lại bâng khuân:

 

-"Chúa ở khắp mọi nơi, tội gì phải băng đồi, vượt dặm đến nơi xa xôi tìm gặp?  Tình yêu Chúa là agape, vô điều kiện mà, đâu cần ai đáp trả."

 

Tôi chậm chạp, chân vẫn còn yếu lắm, trên đường đi anh em có lúc phải dừng lại chờ.  Dành giờ dạy nhau cách tập thể dục để luyện đôi chân, nhắc nhở nhau điều này điều nọ, khi ngồi xuống chia nhau miếng bánh, ngụm nước.  Cơ hồ tôi hiểu được, hạnh phúc không hẳn phải là đạt được gì ở phía bên kia, mà chính là có thể cảm nếm, biết trân quý, đón nhận trao nhau những tặng phẩm của yêu thương, nâng đỡ trong suốt quá trình đi cùng nhau. Chỉ khi nào tôi can đảm buông bỏ những tiện nghi, cơn lười biếng, cùng Ngài bước trên hành trình sống thì mới có thể tiến sâu hơn vào mối tương quan với Ngài.  Phải chăng chính vì thế, Chúa luôn dành một khoảng đường nào đó để mời con người bước vào.  

 

Đường lên dốc, phải nói là mệt.  Qua anh chị em, tôi nhìn thấy hình ảnh Chúa vác thập giá lê từng bước lên đồi. Tôi thẹn thùng sao mình quá hững hờ cứ chất những gánh nặng của mình lên vai Người.   Tôi mong được bắt chước như bà Monica lau mặt cho Chúa; mong được cùng vác đỡ gánh nặng với Người.  Ước gì mỗi ngày có thêm nhiều người hiểu được Thiên Chúa yêu chúng ta đến là nhường nào.  Khi biết mình được yêu, thì trái tim và lòng cũng mềm mại hơn, sẽ vì yêu mà không cho phép mình lỗi phạm, không muốn người yêu mình rơi lệ.  Thật ra lời mời gọi cho và nhận trong tình yêu, là món quà thật quý giá, giúp chúng ta được ơn biến đổi, ngày một trở nên tốt hơn.  Tôi biết ơn món quà tình yêu mà Thiên Chúa ban tặng cho mình.  Và vì thế, như tâm tình của Cha Thomas Merton, tôi cũng muốn thân thưa cùng Chúa:

 

-"Sự kiện con nghĩ con đang bước theo thánh ý Chúa, không có nghĩa con đang thực sự làm như vậy. Nhưng con tin rằng ước muốn làm vui lòng Chúa quả thực làm vui lòng Chúa. Và con hy vọng con có ước muốn đó trong mọi việc con làm."

 

Mong mỏi sự nâng đỡ lẫn nhau từ anh chị em

 

Sau 9 tháng làm linh thao trọn, cũng như rất nhiều người khác, tôi dường như bắt đầu biết mình ngày một rỏ hơn.  Yếu đuối, mỏng dòn, dể vấp ngã.  Chúa Giêsu đợi đến 30 tuổi mới chính thức bước ra thi hành sứ vụ. 30 năm tôi học biết được phương pháp tìm gặp Chúa qua linh đạo của thánh I-Nhã. Con số 30 có ý nghĩa gì với tôi? Cột mốc cho một khởi đầu mới, một con đường mới trong đời tôi?  Tôi chẳng sao nhìn thấu. Nhưng xin cho được ơn khiêm nhu để có thể đón nhận sự giúp đỡ, khích lệ của anh em. Tôi biết tôi cần Chúa, tôi cần anh em, cần cộng đoàn, cần những bạn tốt lành để có thể cùng nắm tay nhau bước về phía trước, để có thể ngày một trở nên tốt lành hơn như ý Chúa. Không ai là một hòn đảo. Chúng ta cần lẫn nhau.

 

Lạy Chúa, những ngày này để định hướng cho một năm sắp tới, xin ban cho con ơn luôn luôn bắt đầu ngày sống của mình với lòng biết ơn, để từ đó có thể học biết thế nào là yêu, mở lòng đón nhận, trao ra và bám vào Chúa trong mọi hoàn cảnh qua các mối tương quan, qua cộng đoàn, anh chị em. Xin hãy ở bên con, đi cùng con.  Con không dám xin Cha, hãy đóng đinh con, đóng thật chặt, để tất cả những cao ngạo, cố chấp và cả cái tôi được chết đi, như lời của bài hát được phổ nhạc từ những dòng thơ của Cha linh hướng.  Nhưng nếu Cha thấy điều đó cần cho con, thì xin hãy cứ làm theo ý Cha.

 

13

TIẾP TỤC

 

Ngày 7 tháng 1

 

Đã ba tháng trôi qua kể từ khi quyết định sẽ đi bộ hành, lòng tôi vẫn phân vân:

 

-"Điều gì sẽ đến với tôi trên hành trình này?"

 

Hình ảnh ba vua lên đường theo dấu ngôi sao lạ, tìm Hài Nhi Giêsu.  Còn tôi, tôi tì gì? Chúa không phải vẫn đang ở bên tôi sao? Hà tất phải đi đâu cho xa? Tôi thật sự tìm gì?

 

Những ngày này, tôi mong được dọn dẹp tâm lòng thật sạch nhất có thể, bỏ qua một bên những mong mỏi, dự đinh, tính toán. Chỉ như thế thì ý định của Chúa mới có thể đong đầy trong tôi.

 

Không nghĩ nhiều.  Tôi cứ nhắm về phía trước, bước tới dù lòng trống rỗng. 

Chờ!!!

 

Ngày 16 tháng 1

 

-Giêsu mến! Tết sắp đến, con không đi bộ với anh em được. Người đi ra ngoài và đi bộ cùng con nhe. 

 

Khuôn viên trường học giờ này còn vắng vẻ, nhưng hôm nay và thiết nghĩ những ngày sau cũng sẽ làm như vậy là phải đi nhanh hơn, không tà tà từng bước như lúc trước. Chân tôi bước mau và lên xuống các bậc thang không còn thở dốc như trước nữa.  Về mặt thế lý, an tâm hơn nhiều lắm.  Nhưng những lo lắng vớ vẫn khác lại được thế trồi lên. 

 

-Giêsu ơi, ý nghĩ muốn rút lui cứ lớn dần trong con. Người muốn con thế nào?

 

Ngày 28 thang 1

 

Để có thể tiếp tục tập đi bộ, tôi phải từ chối lời mời của một số bạn.  Có tiếng xì xào trong nội tâm, có lo lắng vu vơ khi người ta nói này nọ. 

 

Thật ra tôi bắt đầu hiểu anh em hơn. Nhìn lại các mối tương quan, có lúc bạn bỏ tôi mà đi, có lúc tôi rời bỏ họ. Dù là thể nào, tình thương vẫn còn đó, chỉ là tôi học hiểu chấp nhận bạn mình ở chỗ họ chính là họ ở ngay thời điểm này. Tôi không còn khó chịu hay gượng ép ai phải theo ý mình.  Đồng thời cũng cũng nhân ra có khá nhiều điều tôi cần phải buông xuống. Mỗi người đều có đường đi của mình, mục tiêu khác nhau. Tôi chỉ biết cầu chúc cho tất cả được an bình. Và cũng đến lúc tôi phải tập cứng rắn hơn. Tôi cần phải đi con đường của riêng tôi. Con đường mà tôi tin rằng Chúa mời gọi tôi bước vào. Con đường mà lòng của tôi mong mỏi.

 

Ngày 5 tháng 2

 

Hôm nay chỉ có hai chị em đi bộ.  Đường lên núi mở trở lại. Chúng tôi quyết định đi lên và xuống con dốc hai lần. Lần đầu tiên đường dốc đá, độ cao 2,203 feet, tốc độ 2.8 dặm một giờ, chúng tôi đi được hơn 14 dặm trong vòng 5 tiếng. Mấy tuần lễ liền chỉ đi dọc bờ biển hay xung quanh nhà, khá là nhẹ nhàng, tôi có phần lo, sợ chân bị đau. Nhưng tạ ơn Chúa, đây là lần đầu tiên tôi đi một cách thoải mái, không bị đau đầu gối nữa.  Những cám dỗ muốn thối lui cũng theo đó mà lùi sang một bên. Bên cạnh sự reo vui vì có thể vượt qua những cơn đau, tôi đã có thể thưởng thức cảnh đẹp trên đường đi.  Cuộc sống xung quanh luôn luôn rất đẹp và đầy thi vị. Khổ nổi con người lại ít chịu để mắt đến.

 

Giêsu lại cho "ly nước mát" đúng lúc tôi cần nhất. Ngài luôn ở bên con và nâng đở tinh thần, vừa cương quyết để rèn luyện tôi. Một người Thầy nghiêm nghị nhưng dể thương. 

 

Quả thật cái khó nhất là 3 bước đầu tiên. Ra khỏi giường, thay trang phục và lên xe, phần còn lại là niềm vui được cùng anh em tiếp bước.  Thần dữ luôn rủ rỉ, chỉ cần là thối lui một bước, hắn sẽ bước tới với tốc độ nhanh cả chục lần. Nếu cứ ngồi nhà đấu tranh với cơn cám dỗ này một mình, thua là cái chắc. Tôi phải đúng lên, bước ra ngoài.

 

Tạ ơn Chúa món quà có anh em đồng hành.

 

Ngày 19 tháng 3

 

Cả hơn tháng rồi mới tập đi bộ lại với anh em.  Tên có đuôi lại tiếp tục lảm nhảm,

 

- Có còn đi nổi không đó, ở nhà đi."

 

Tôi bắt đầu khó chịu với chính cái ưởm ờ ù lì của mình. Kệ, nói gì thì nói, không thể bỏ cuộc. Tôi cũng không cho phép mình như thế.

 

Lần này vượt kỷ lục, chúng tôi đi được 15 dặm.  Lúc về nhà chân đau và không thể làm vườn hay chạy đây đó thăm người thân. Thế nhưng sang hôm sau, mọi sự trở lại như bình thường. 

 

Tôi biết thần dữ không thể tấn công nếu tôi thật lòng quyết tâm.  Cả cặp chân nữa, nó cũng sẽ phải vâng lời mình. Nó cứ như đứa trẻ vậy. Hễ mỗi lần nhỏng nhẽo vòi vỉnh mà được, thì lần tới nó sẽ khóc lâu hơn và sẽ được. Nhưng nếu nó biết nũng cũng không có kết quả, thì đứa trẻ sẽ im lặng và vâng lời mà thôi.

 

Ngày 25 tháng 3

 

Suốt tuần nay làm ở nhà. Tôi muốn nghĩ dưỡng sức cho cặp chân của mình, nên không đi bộ nhiều. Không đầy hai tháng nữa là thật sự lên đường. Phải tập đi đường dài. Chúng tôi quyết định phải đi cho bằng được 19 dặm lần này.

 

Tạ ơn Chúa, không chỉ là 19 dặm mà đi được 23.7 dặm với tốc độ 3.2 dặm một giờ. Mệt! Chân mỏi, người thấm ướt mồ hôi. Nhưng lạ lùng là lòng vẫn rất phấn chấn. 

 

Xin Chúa tiếp tục đi cùng con, với con và trong con.

 

Tháng 4

 

Những ngày này tôi muốn đi một mình.  Cuộc sống không thể cứ lệ thuộc vào người khác.  Mọi thứ trên đời đều tạm bợ, kể cả những mối tương quan. Mỗi người đều có con đường riêng và tiếng gọi riêng. Vì thế dù cho có thân thiết đến đâu, sẽ có lúc chia tay. Tôi muốn trải nghiệm cảm giác đi một mình với tất cả lòng quyết tâm. Vả lại tôi cũng muốn thong dong một tí nghĩ sâu hơn mục đích cho chuyến đi này. Tôi muốn được tâm tình một cách thật riêng tư với Giesu, Cha Chí Ái của tôi lúc này.

 

Mầy tuần nay đi không được nhiều, chần đau cách vô lý. Tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng của mình.  Thế là lấy hẹn gặp bác sĩ. May thay bác sĩ cũng là người đã từng vác ba lô đi bộ hành, con đường thánh Giacobe.  Vừa biết được chân không bị gì, chỉ là đi nhiều quá bị giãn gân nên đau chút, nhưng không hề hấn gì.  Được có dịp nghe ông ta chia sẽ kinh nghiệm trên đường đi và những thứ cần phải chuẩn bị(tôi cũng đã được các anh chị chỉ dẫn và đã săm khá đủ những thứ cần thiết). Lòng vui lạ lẵm.  Lần này thì đến phiên tôi lên tiếng với "hắn":

 

- "Không còn lý do để thối lui nữa, ngoại trừ là tôi làm biếng."

 

Ngày 27 tháng 4

 

Định bụng là sẽ đi bộ với anh em, nhưng nghe nói người chị em chia sẽ tuần vừa rồi đi quá mệt, đuối sức phải nghĩ đến việc nhờ người đến giúp để có thể xuống núi. Tôi ngần ngại và quyết định tự tập một mình.  Vả lại tôi cũng biết con đường từ Porto đến nhà thờ Chánh tòa ở Spain không gặp ghềnh và độ dốc cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với đường núi ở Crytal Cove mà chúng tôi vẫn thường tập luyện.

 

Sắp đến ngày rồi, tôi bắt đầu nghĩ đến ơn xin và mục đích của chuyến đi.

 

Lời mời gọi: Hãy đi cùng anh em

                      Hãy cảm thông với anh em

                      Hãy là ánh sáng

                      Hãy mang hy vọng

 

Xem chừng quá nhiều.  Tôi vẫn chưa hoàn toàn biết tôi cần xin ơn gì.

 

Sáng nay, một công hai ba chuyện. Vừa là tập đi bộ, vừa tranh thủ đi lễ. Đường trong thành phố, xe qua lại, lâu lâu có một hai bóng người đi trước hay theo phía sau khiến tôi có phần e dè.  Sơ phải đối diện với những người vô gia cư, sợ họ lại hỏi chuyện, sợ..sợ.

 

Tôi nghĩ đến hai người lữ khách trên đường về Emmau. Một là tôi và người còn lại không ai khác chính là Giêsu. Chúng tôi tâm tình nhiều.  Đến giây phút này, tôi chỉ nhìn về phía trước và chuẩn bị sắp xếp hành lý lên đường. Những cám dỗ bỏ cuộc không còn nữa.  Chỉ là tôi bâng khuân, hình ảnh Chúa đi bên tôi như một người bạn, một người thầy, hay một người Cha? Chúa là ai trong đời tôi? Tôi khao khát mối tương quan như thế nào khi nghĩ về Giêsu. 

 

Có rong rủi một mình trên đường đi, mới thật biết ơn món quà có bạn đồng hành.  Phải chăng vì khoảng cách với những người bạn già mà tôi thật lòng thương mến đã khiến tôi thấy có chút ưu tư và lẻ loi? Đi bên Giesu hôm nay, chúng tôi chẳng nói nhiều, những xem chừng ra nghe được ở nhau khá nhiều. 

 

Ngày 8 tháng 5

 

Còn vài ngày nữa là lên đường.  Tôi không dám cho người nhà biết vì sợ những lên lớp và cằn nhằn.  Càng sợ hơn cảm giác "có lỗi" khi dành giờ riêng cho bản thân.  Vẫn hiểu, đó là chuyện thường thôi.  Phải nên như vậy.  Tôi cần phải tập cứng rắn; lên tiếng từ chối đôi lúc rất cần trong cuộc sống.  Nhưng bản tính nhu nhược hay vì xã hội, nền văn hoá đã ảnh hưởng trong tôi.  Giữ quân bình mọi khía cạnh trong cuộc sống thật cần, nhưng thiết nghĩ làm cho nó mỗi ngày một tốt hơn thì tuyệt vời biết bao.  

 

Có phải vì tôi luôn sống đời của người khác? Hay phải chăng tôi đã quá kiêu ngạo mong chờ sự khen ngợi vì luôn sẳn lòng chìu ý người khác.  Lòng tôi có chút lênh đênh buồn.  Nhưng tạ ơn bên cạnh đó, các con luôn ủng hộ và khuyến khích tôi thực hiện chuyến đi.  

 

Hôm nay nói chuyện với linh hướng, tôi thấy mình cần nhìn lại những ước ao cách thiết thực và rỏ hơn.

 

Nhiều việc và nhiều dự tính quá.  Tôi thấy mình lăng xăng chạy trước Chúa.  Tôi cần phải chậm lại.  Có lẽ lúc này điều mà tôi thật sự cần là sự thư giản, nghĩ ngơi.  Đôi lúc hai người yêu nhau không có chỉ là nghe gì, hiểu gì, học gì, làm được gì cho nhau.  Đơn thuần chỉ là dành giờ ở bên nhau. Đi bên cạnh nhau, nếm hưởng cảm giác có nhau trong từng bước đi.  Thế đã đủ.

 

-Giesu, có phải Người muốn thế không? 

 

-Vâng! Nếu thế thì con để trống mọi ước muốn, dự tính qua một bên nhe.

 

-Cứ để đó. Đến thời đến khắc, ắt sẽ hiểu.

 

-Chờ! Bước tới! Con xin theo ý Người vậy.

 

Chỉ là một chuyến đi, vài tuần rồi về.  Thế sao tôi lại nghĩ quá nhiều.  Sống đơn giản có tốt hơn không?  Dẫu đã chuẩn bị cả hơn 8 tháng, nhưng tôi cứ lo vu vơ.  Gọi điện tâm tình và nhờ các chị em, cả các con cầu nguyện xin Chúa gìn giữ để có thể đi đường bằng an. 

 

-An tâm sẽ cầu nguyện cách đặc biệt cho em suốt chuyến đi.

 

-Cứ vững tin.  Có thể đôi chân của bạn không chắc bằng anh em trong chuyến đi, nhưng trái tim khát khao của bạn không nhỏ. Chúa biết. Sẽ làm được.

 

-Con chúc lành cho mẹ trên chuyến đi này. Hãy vui lên và nhớ gởi tin về mỗi ngày để con dõi theo với mẹ nhé.

 

Những ủi an, động viên của mọi người làm lòng tôi như được sưởi ấm.  Trong tâm tình biết ơn, hình ảnh Thiên Chúa là Cửa dừng lại trong trái tim tôi khá nhiều ngày.  Trong cuộc đời người ta sẽ chỉ bước tới mỡ cửa cho một hy vọng, vẫn biết có thách đố và đêm tối nhưng sức mạnh của tình yêu luôn là khí cụ để ta có dũng cảm bước vào.  Tôi nghĩ đến Thiên Chúa, cánh cửa của cội nguồn hạnh phúc.  

 

Tôi nghĩ đến những cánh cửa trong đời mà mình từng bước qua.  Cửa biển ngày vượt biên tìm cho mình một đời sống mới.  Cửa trại tị nạn.  Bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.  Cửa đánh dấu bước ngoặc mới trên hành trình sống.  

 

Hình ảnh CỬA nói với tôi một khao khát, một hy vọng tương lai sáng lạng hơn đang chờ đợi đằng sau cánh cửa ấy.  Đồng thời cũng khiến tôi chùng chân bước tới vì có những cánh cửa tôi thật sự không muốn bước vào. Nhưng đây là những xúc cảm rất thường nhật, rất tự nhiên, ai ai cũng sẽ đồi diện, không tránh được.  Tôi cần ý thức điều này.  Điều mà tôi nên để tâm đến là điều gì ẩn dưới bề mặt của những cảm xúc này?

 

"Ta là CỬA cho chiên ra vào

 Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu, 

Người ấy sẽ gặp được đồng cỏ" (Ga 10:7,9)

 

Tôi nghĩ đến Thiên Chúa là Cửa và Ngài mời gọi tôi bước vào cánh cửa ấy, bước vào trong Ngài.  Nhưng làm sao có thể nếu Ngài không dẫn tôi vào thế giới của Ngài.   

 

Giêsu ơi, Người muốn nói gì với con?  Xin hãy mở lòng và giúp con cảm nếm được từ trái tim, từ những tế bào, những đường gân, kẻ tóc trong con điều mà Người muốn tỏ lộ trong con.

 

Giesu, cánh cửa của sự sống, của hy vọng, của suối nguồn ân sủng.  

 

Giesu, cánh cửa luôn mở ra tha thiết mời gọi con tiến vào.

 

Giesu, ý tưởng của Người cao ví khôn lường, con chẳng sao đoán được.  

 

Nhưng vâng.  Nếu Ngài muốn con bước sâu hơn thay vì chỉ dừng lại ở sách vở, dừng lại ở cái đầu và sự hiểu biết, dừng lại trong chiều kích của địa lý và không gian mà trí hiểu hạn hẹp của con có thể vươn đến, để tìm gặp, để được đi vào trong Người và để được ở cùng Người.  Thì con đây. Xin hãy làm và tỏ lộ cho con như ý Người mong muốn.

 

Ngày 13 tháng 5

 

Bên cạnh lòng biết ơn, tôi chuẩn bị khăn gói trong tâm tình của một đệ tử được chọn cùng Thầy lên đường.  Tin rằng để trưởng thành, mỗi người chúng ta cần đối diện với những cuộc khảo nghiệm.  Nơi đây tôi không tìm thắng thua, được mất, chỉ mong ý thức có thể bén nhậy hơn với tiếng gọi bên trong qua những thăng trầm, hoa quả nhận được trong suốt quá trình đeo đuổi, tìm kiếm.

 

Hình ảnh Thầy là Cửa mời con bước vẫn là một khắc khoải trong con. 

 

Giesu, nếu Người muốn, xin cho con có thể cảm nếm sự diệu vời ở một mức độ cao hơn, xa hơn sự hiểu biết hệ tại từ những khắc khoải khi nghĩ đến mối tương quan với Cha - là Cửa, là Đường, là hy vọng, là sự sống trong con.

 

Nhìn lại những ngày chuẩn bị vừa qua, tôi thấy không sao có thể nói là đã đủ. Chẳng thể nào, đặc biệt khi hướng tới hành trình thiêng liêng. Nhưng tôi an lòng vì biết rằng, tôi đã cố  hết khả năng.  Phần còn lại, nếu thật sự chuyến đi này là dự tính của Thiên Chúa, thì mọi sự xảy đến đều là ân sủng.  Tôi cũng không rỏ lắm lý do để lên đường. Chỉ cảm nhận phía trước, một cánh cửa khác, một hành trình mới trong cuộc sống đang chờ tôi. Tôi lên đường trong tâm tình biết ơn:

 

*Những người châm lữa làm nóng ấm khao khát

*Sự nhẫn nại, nâng đỡ, và cả thách thức để giúp tôi bước tiếp của anh chị em

*Cơ hội được sống lại ước ao của tuổi thanh xuân, vác ba lô bước ra khám phá chân trời mới.


Trầm Hương


 

 
 
 

Comments


bottom of page