Sống hay Chết! Điều nào sợ hơn?
- Trầm Hương
- Sep 12, 2019
- 4 min read

Hôm nay anh của bạn tôi đã ra đi. Chấm dứt những chuỗi ngày đau đớn vật vã vì căn bịnh hoành hành. Kết thúc những lo lắng, sót ruột của người thân, khi bất lực trước oằn oại của anh mà chẳng làm được gì. Lý ra về mặt thể lý, như vậy cũng là một điều tốt, mọi người có thể thở phào nhẹ nhỏm. Thế nhưng trong chúng tôi dường như vẫn còn văng vẳng sự tiếc nuối, ngỡ ngàng. Không hiểu nổi, sao lại vậy? Cuối cùng thì mục đích đến trong đời này là gì? Tại sao đứng trước lằn ranh giữa sống và chết, con người luôn có những khắc khoải?
Ai đó bảo: “Bất cứ ai từng rơi vào tình trạng cận tử, họ sẽ cho chúng ta biết cái chết sẽ làm cho mọi thứ trong đời càng quý giá hơn bao giờ hết, bởi họ không còn xem chúng là thứ mặc nhiên”.
Lý lẽ này phải chăng chỉ dành cho những ai đang hạnh phúc vui hưởng cuộc sống hiện tại ở đời này. Bởi lẽ họ sẽ tiếc nuối vì chẳng muốn rời bỏ cuộc chơi, chẳng muốn bị tách rời để phải đến một nơi khác, cách vội vàng vậy. Muốn được hưởng niềm vui một thời gian nữa.
Không hẳn vậy, còn sâu xa hơn với những ai đang mang trong người trách nhiệm. Đột nhiên biết được phải đối diện với căn bịnh hiểm nghèo và cái chết đang đếm từng ngày. Bỏ lại vợ trẻ, con thơ hay vì lý do nào đó, họ đã lơ là thiếu xót những ngày tháng dành cho nhau trước đó. Tất nhiên lúc này, họ lo nghĩ cho người thân, ở lại rất nhiều. Mong được bù đắp, hy vọng ông trời cho thêm chút thời gian để có thể làm thêm tí việc, ước mong những người mình yêu thương được an yên và có cuộc sống ổn định sau khi mình không còn.
Hầu hết những bậc cha mẹ, vợ chồng luôn đặc tình thương lên trên hết. Họ chỉ mong sao đừng để người thân quá vất vả vì căn bịnh và sự bất lực của mình, không bị gánh nặng của đống bills oằn nặng lên cuộc sống. Khi mà thân thể bại xụi, cơn đau ặp tới, sức người không đủ sức chịu đựng, đối diện với giới hạn của thân phận phàm nhân, tôi tin họ càng thương và cảm thông với người bên cạnh hơn. Chết là chuyện không ai tránh khỏi. Vậy thế cho nên câu hỏi vẫn nên là “chúng ta sẽ chết thế nào?” Vật vã với cay nghiệt, trách cứ vì sự bất công trong xã hội hay “lòng chúng ta sẽ khoan dung, biết ơn, cảm thông, nồng ấm, như tấm lòng Chúa Giêsu khi Ngài thưa với Chúa Cha là xin theo ý Cha đừng theo ý Con?”(Fr. Ron R)
Đúng là hơn bao giờ hết, lúc ấy là lúc họ phải tranh đấu để có thể vẫn yêu và kiên trì yêu cho đến phút cuối cùng. Giờ phút đó, tôi cho rằng điều có thể và nên làm là ở bên cạnh, thêm lời nguyện. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn để người thân của mình, dành lấy phần thắng hầu có thể nhắm mắt với nụ cười bao dung tha thứ và yêu thương. Tôi chưa đi qua kinh nghiệm đó, nhưng tôi mong đây cũng là ước ao của chính mình khi đối diện với phút cuối đời.
Mong rằng bạn tôi và tất cả chúng ta sẽ không quá buồn trước sự ra đi của người thân. Họ đã xong phần việc ở thế gian tạm bợ này. Biết đâu đời sống sau của họ lại là một thiên đường đầy hạnh phúc viên mãn thì sao? Nhưng qua sự ra đi đquá vội vàng của người anh em, sẽ giúp ta nhận ra và nghe được lời mời gọi từ nơi thâm sâu của nội tâm một điều gì đó cần thiết cho hành trình sống của mình. Biết đâu là một nhắc nhở đừng quá hoang phí thời gian trong những trò đùa mây mưa, những đam mê kiếm tìm hân hoan trong danh vọng tiền của. Biết đâu lại là một khúc ngoặc để ta thay đổi biết trân quý bản thân và định hướng lại ý nghĩa của hạnh phúc mà mình thật sự mong có được.
Các bạn trẻ cũng vậy. Cha mẹ luôn yêu thương và bao dung cho mình. Thay vì khóc lóc hối hận đã không thể tận hiếu, hãy lau khô dòng lệ bởi vì lòng của cha mẹ sẽ càng đau hơn khi thấy con mình sống trong khổ sở. Hãy tha thứ cho chính mình vì đó là ước ao của cha me. Hãy đứng lên và làm lại cuộc đời. Sống cho thật tốt và trở thành những người hữu dụng. Đó là cách mà bạn tbù đắp, trả hiếu cho cha mẹ.
***
Chết rồi, dù nằm trong quan tài gỗ hương quý giá hay chiếc thùng giấy, cuối cùng tất cả đều sẽ tan biến thành bụi tro. Nếu trân quý hãy làm ngay bây giờ khi còn có thể. Đừng để quá muộn, bởi lẽ họ chẳng còn biết. Khổ nổi như người bán hòm tâm sự: "Tôi làm nghề này lâu lắm rồi. Thế nhưng chiếc hòm giấy đáng già vài trăm bạc không là gì chỉ bán có một lần. Hầu hết người ta lựa chiếc quan tài tương đối đừng quá tệ. Họ muốn làm đám tang cho "coi được" chút".
Ngớ ngẩn nhưng biết thừa đó là sự thật. Tôi lại mong nếu đến ngày đó, bất cứ một xu nào không cần thiết mà muốn xài trên thân xác chẳng còn biết gì của tôi, hãy dành tặng cho giới trẻ để dùng vào các công việc giúp ích cho đời sống tâm linh và đạo đức.
Tôi vẫn mong được người tặng mình đóa hồng ngày còn sống, hơn muôn triệu đoá hồng phủ lên mặt quan tài tiễn tôi đến nghĩa trang.
Hèn Mọn, Sept 12, 2019
Commentaires