top of page

Tâm tình Giáo Lý Viên

  • Writer: Trầm Hương
    Trầm Hương
  • Nov 2, 2018
  • 6 min read

Updated: Nov 9, 2018



"Ta muốn lòng nhân, chứ không phải hy lễ" (Mt 9, 13)


Suy niệm phúc âm hôm nay khiến tôi không khỏi tự hỏi "tất cả những gì mình làm là vì điều gì?". Tấm lòng con người thì thuộc về khía cạnh của tâm linh và thật sâu lắng.  Không thể nhìn hay sờ mó, nhưng có thể "nghe" được tiếng nói từ con tim. Còn hy lễ thì quá rỏ rệt, hầu hết ai cũng thấy. Tôi cũng đã từng có lần reo lên hân hoan khi lớp học hôm ấy, các em có vẻ rất hào hứng; hay mĩn cười với anh em khi dự án bác ái của nhóm được thành hình.


Nhưng tất cả những việc làm, những hy sinh, chia sẽ trao ra xuất phát từ động lực nào, đây mới chính là chìa khóa mỡ cửa cho mục đích sống của mỗi người.


Năm học mới thật sự đã bắt đầu. Nhìn các huynh trưởng, bọn trẻ cười nói đến với lớp, tôi thật thương các em làm sao. Thế giới hôm nay đầy dãy những cuộc vui giải trí hấp dẫn, thế nhưng tại sao đám thanh niên này lại chọn bỏ tâm tư, thời gian để đến học giáo lý, việt ngữ,  sinh hoạt Thiếu Nhi. Trong vai trò của một huynh trưởng, các em cũng phải soạn bài, tìm tòi những trò chơi, rồi lại phải tham dự các buổi huấn luyện. Hầu hết các em đều đã vô đại học, bận bịu khá nhiều với bài vỡ. Làm sao có thể sắp xếp thời gian để có thể chu toàn tất cả?


Đâu đó có những áp lực với nhận định "thêm một thời gian nữa thì sẽ không còn ai nói tiếng Việt, và như thế sẽ không còn cộng đoàn Việt Nam".  Điều này khiến các Cô Chú Anh Chị Em trong ban mục vụ cộng đoàn không khỏi có những băng khuân.   Thử hỏi nếu một ngày nào đó ngay cả mình là ai, từ đâu đến cũng không còn nhớ, thì sẽ ra sao? Hội nhập, cùng có những sinh hoạt chung với giáo xứ, cùng nhau dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa và đồng thời cùng học hỏi lẫn nhau là điều nên làm, phải làm.  Nhưng chắc chắn một điều mà tôi tin rằng không ai có thể cho phép mình "bị hòa tan" để rồi mất đi chính mình.  Huống hồ chi, "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít" (Luca 10,2).  Giáo hội vẫn cần rất nhiều những tông đồ dám dấn thân đi truyền giáo. Công việc này không thể chỉ thu nhỏ trong bổn phận của các linh mục, các chánh xứ.  Mà mỗi một gia đình, mỗi một cộng đoàn cần phải góp tay. Được có cơ hội đến với khá nhiều các cộng đoàn có người Việt sinh hoạt, tôi thật tự hào và cảm tạ Hồng Ân Chúa đã cho mình được là người Việt Nam. Dù sống ở bất cứ nơi nào, chúng tôi vẫn giữ lấy truyền thống tốt đẹp của Cha Ông, đặc biệt là luôn rất quan tâm đến đời sống tâm linh của giới trẻ. Nhìn thấy cả một đoàn Thiếu Nhi cùng sinh hoạt chia sẽ học hỏi vui chơi trong tình huynh đệ, trong sự quan phòng của Anh Cả Giêsu, là điều mà khiến khá nhiều các sắc dân khác phải thán phục. Tôi luôn mong rằng những điều tốt đẹp này sẽ được gìn giữ mãi.


Còn các giáo lý viên, vì điều gì mà chúng ta phải gạt bỏ những việc dở dang còn đầy ở nhà hay nơi công sở để đến với các em?


Bên cạnh đó, công việc nhà xứ bù đầu, ơn gọi ngày càng ít đi.  Có Cha phải coi hai xứ hay làm công việc của hai hay ba người. Để có thể mỡ các lớp Việt Ngữ, Giáo Lý hay sinh hoạt giới trẻ, dĩ nhiên các Ngài không thể không có những âu lo. Trong quá khứ đã có biết bao những vấn nạn xảy ra như lạm dụng tình dục, rồi đến làm sao để bảo đảm an toàn trong thời gian các em sinh hoạt tại giáo xứ. Nếu làm tốt thì không sao, nhưng nếu có chuyện không hay xảy ra, thì lại kéo nhau ra tòa, có những tranh chấp, trách mắng nhau. Nói thiệt cũng rất khó xử cho các Ngài lắm.   


Bản thân là một giáo lý viên và cũng là một người Mẹ công giáo, tôi hiểu rỏ sự cần thiết đến thế nào khi cùng góp tay với Thiên Chúa giúp các con, các học sinh của mình đón nhận Tin Mừng, cảm thấy được tình yêu và lòng quãng đại của Thiên Chúa.  Giới trẻ ngày nay đang đứng trước cơn khủng hoảng về các giá trị luân lý và đạo đức, đánh mất nhân cách và lý tưởng. Các em cũng rất dễ bị rơi vào tình trạng chán nản mất hy vọng. Làm sao để có thể đánh thức tiếng nói lương tâm của các em? Bằng cách nào để thanh thiếu niên có thể phân biệt lành dữ đây? Điều này thuộc lãnh vực của tôn giáo. Chính vì sự cấp bách này mà giáo hội hơn bao giờ rất cần những chứng nhân rao giảng tin mừng, mang Chúa, mang tình yêu và hy vọng đến cho nhân loại.  Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI cũng đã: “mời gọi các bạn giới trẻ hãy tăng cường con đường đức tin của các bạn nơi Thiên Chúa, là Cha của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta”


Đâu đâu cũng đầy những thách đố khó khăn. Nếu không vì tình thương và ơn Chúa trợ giúp, thì sẽ không thể nào có thể hoàn thành sứ mạng của mình. Bên cạnh đó ma quỷ lại vô cùng tinh vi, len lõi lằn ranh giữa trắng và đen còn có màu xám. Điều này tai hại vô cùng. Thật thấy buồn làm sao khi nghe được có các vị mục tử, các quý chức vì sự lớn mạnh của xứ đạo mình,  mà lên tiếng ngăn cản không cho những cộng đoàn kế cận có cơ hội phát triển các ban ngành, đặc biệt là cản trở những ước ao sinh hoạt của giới trẻ. Có lẽ chúng ta cần phải đặc lại giá trị và mục đích của mình là gì khi dấn thân phục vụ. Của lễ mà chúng ta dâng lên Chúa là một cộng đoàn rất đông các em sinh hoạt, nhà thờ rất đông giáo dân đến tham dự thánh lễ, thùng dâng cúng đầy ấp. Điều này đẹp.  Nhưng để có được những của lễ như vậy, có khi nào chúng ta đã vô tình mất đi lòng bác ái, thương người. Có khi nào bạn trăn trở trước tình trạng các thanh thiếu niên ở xứ kế cận không có cơ hôi được cùng nhau sinh hoạt, các em sẽ đi đâu và làm gì? Bạn có còn nhớ Thầy Giêsu nói gì với dân chúng khi họ giữ Người ở lại "Ta còn phải rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa cho những thành khác " (Lc 4,44).


"Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ" Thiết nghĩ chúng ta cần phải học hỏi xem làm sao có thể hiểu thấu ý này của Thầy Giêsu.  Tất cả mọi hy lễ đều sẽ không có ý nghĩa gì trước mặt Thiên Chúa nếu như không có bóng dáng của tình yêu.  Đây cũng là điều khiến tôi (và hầu hết các thầy cô giáo)  trăn trở nhất trong vai trò của một giáo lý viên. Đôi khi quá đặc nặng đến thành quả, làm sao có thể làm tốt bổn phận của mình, để rồi khi không đạt được tôi lại buồn rầu và chán nản.


Chúa ơi, xin giúp con luôn hiểu được rằng con chỉ là công cụ trong tay Người, chỉ là một người "thợ làm vườn". Điều mà Người mong mõi và ao ước nhất vẫn là lòng mến yêu. Chỉ cần là con làm hết sức, với tất cả tình yêu của một người Mẹ, người Chị khi đến với các em trong lớp Giáo lý, vậy đã đủ. Phần còn lại là việc của Người.


Lạy Chúa, giây phút này đây con xin dâng lên Người các Linh Mục, tu sĩ, các vị lãnh đạo tinh thần trong giáo hội, và đặc biệt là các giáo lý viên. Xin ơn Cha tuôn đổ để trong khiêm nhu, tín thác vào bàn tay quan phòng của Chúa, cùng với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mọi người có thể can đảm dấn thân, không ngại đối diện với thử thách, vượt qua được ranh giới sự an toàn của riêng minh, đem Tin Mừng đến cho mọi người. Xin cho tất cả mọi việc làm, sự hy sinh của chúng con đều bắt nguồn từ tình yêu, lòng quãng đại. Bởi lẽ đây mới chính là điều đẹp lòng Người hơn bất cứ của lễ nào.


Trầm Hương, 21 tháng 9 năm 2017

 
 
 

Comments


bottom of page