top of page

Tội- Hoà giải- Tình yêu

  • Writer: Trầm Hương
    Trầm Hương
  • Sep 11, 2019
  • 11 min read



Nhân một lần bàn luận vấn đề “Xưng tội”, tôi thấy mình cần phải nhìn sâu hơn về bí tích này.

Em bảo: “Tội là việc giữa mình và Chúa. Chỉ có Chúa mới có quyền tha tội.”


Khi làm lỗi, chúng ta đã xúc phạm đến Chúa. Và chỉ có Chúa mới có quyền cởi bỏ xiềng xích tội lỗi trên chúng ta.”


“Vậy phải chăng linh mục đơn thuần là người cùng đồng hành, thêm lời cầu nguyện, xin Chúa tha tội cho ta”.


Em khá thông mình và khéo nói. Tôi không bàn sâu, sợ lỡ lời sẽ có cớ cho em “đi xa” hơn.

Tôi chỉ nhẹ nhàng: “Thiên Chúa trao quyền hạn này cho các linh mục. Các ngài nhân danh Chúa, tha tôi cho những ai thật lòng ăn năn đến với toà giải tội”.


Người thanh niên chống chế: “Giả sử em làm lỗi với Bố của mình. Thì em đến xin lỗi Bố. Trong trường hợp này chỉ có Bố mới có quyền tha cho em thôi”.


***

Chuyến hành hương Đất Thánh vừa rồi, tôi suy nghĩ nhiều về bí tích hoà giải. Đặc biệt lời mời gọi “hãy nhìn sâu hơn vào lương tâm, những hệ luỵ của tội” từ Cha linh hướng. Thật vậy, nếu chỉ dựa vào luật lệ để phân định mức độ tệ hại của lỗi phạm qua “10 điều răn Đức Chúa Trời “và “6 điều răn Hội thánh”, thì xem ra không khó lắm. Nhưng sự xuất hiện của Chúa Giesu cùng với những lời giảng dạy và chinh cuộc sống của Người, nhắc chúng ta không được chỉ qua loa sống dựa vào lề luật mà thôi. Người kêu gọi sự hoán cãi nội tâm, mời chúng ta nhìn sâu hơn vào các mối tương quan, hệ luỵ trong mọi hành động và cả tâm tưởng.


Ngay từ giây phút hình thành trong cung lòng người Mẹ, Thiên Chúa đã ưu ái đặc trong linh hồn, viết vào trái tim của mỗi người chúng ta khao khát Thiên Chúa, kiếm tìm sự thật. Vì chỉ mình nơi Thiên Chúa, con người mới thật sự có được hạnh phúc viên mãn. Thế nhung, con người, thì lỗi phạm và chẳng trọn hảo. Tội lỗi khiến ta xa lánh và mất đi phẩm giá của chính mình. Chính vì biết và yêu nhân loại, Thiên Chúa đã nhập thể làm người, sống giữa chúng ta. Người chữa lành các bịnh nhân, ban ơn tha tội. Và khi về trời Người ban quyền cho các linh mục, mong muốn giáo hội của Người, nhân danh Người mà tiếp tục công việc này.


Tạ ơn Chúa đã cho con được cơ hội học hỏi về giáo lý và gởi chị em có lòng đạo đức và đời sống cầu nguyện mật thiết với Người đến, giúp con đào sâu hơn nét đẹp tuyệt vời của Bí tích hoà giải.


***

Trước mặt tôi lúc này là bức hoạ kể về người con hoang đàng trong dụ ngôn của Thánh Luca. Được nghe, đọc và cả xem qua tranh ảnh kể về đứa con này không biết là bao nhiêu lần. Biết vậy, như đọc qua tin tức nóng hổi của ngày. Thở dài ngao ngán cho thói đời. Có súc cảm, nhưng chỉ là vài giờ sau hay vài phút kế là biến mất. Bởi lẽ, đây không phải chuyện của tôi. Thế nhưng hôm nay, trong gian phòng trống, màn đêm buông xuống, bên ánh đèn nhỏ cùng với sự tĩnh lặng, tôi bước vào chính đời sống của người Cha, người con và người thân bên cạnh. Tôi sống cùng, đi bên cạnh, cảm thấu được tiếng nói bên trong nội tâm và sự thao thức của các nhân vật này và cũng là của chính tôi.


Hey! Ba, Mẹ. Hãy chia cho tôi phần gia tài thuộc về tôi”.


Nghĩ gì? Khi nghe các con của mình, hay người anh, người chi, thậm chí chính bản thân mình nói thế với cha mẹ Nền văn hoá của Do Thái ngày đó, và cả bây giờ bất kể ở đâu, điều này gần như đồng nghĩa với sự chối bỏ mối tương quan người thân, cha con với nhau. Gián tiếp cho biết “Với tôi, ông đã chết rồi. Hay, tôi thật ước gì ông không còn trên đời này nữa.”

Có điều gì đó quả là đau, đau không cùng tưởng. Những ai từng kinh nghiệm bị các con rời bỏ, khi mà chúng bảo: “Con không muốn có bất kỳ liên hệ nào nữa với cha mẹ; Con muốn sống đời sống của con; Đừng quấy rầy con; Leave me alone” mới có thể cảm hết nổi đau như mũi dao cắm vào tim. Nếu chỉ dựa vào lề luật thì có là gì. Nó hỏi xin và cha cho mà. Đâu có lỗi gì. Nhưng nhìn sâu vào lương tâm, quả đây là vấn đề hệ trọng, không nhỏ tí nào.


Tiếp đó, người con gom góp mọi thứ thuộc về nó và ra đi. Tôi cũng chẳng thấy có gì sai. Nó lớn rồi, phải có đời sống riêng. Những thứ nó mang đi là của nó. Cả cuộc sống cũng là của nó. Đâu lề luật nào nói là sai phạm đâu. Nhìn lại hệ luỵ mà mấy ngày trước đứa con thứ đã làm với cha. Hẳn lòng của ông đau lắm. Và nó, chắc chắn đã chuẩn bị cho sự ra đi này trước đó một thời gian rồi. Nó đi đâu? Sống ở đâu? Làm gì? Hoàn toàn kín bịt không cho cha biết.

Nó biết làm vậy, cha đau, gia đình cũng đau. Với tự do, nó chọn lựa và quyết định làm vậy.

Không hiểu sao lúc này lòng tôi nhói lên một hoảng sợ. Vì xem ra khi nghĩ về người con thứ này, cả ba điều kiện để làm nên tội trọng- mortal sin, hoàn toàn đáp ứng.


Đứa con ra đi, căn nhà trống trải quá. Đứa còn lại, tuy ở trong nhà nhưng lại thu mình trong thế giới của riêng nó. Giận em mình và cũng không trò chuyện nhiều với cha vì cũng chẳng biết nói gì. Khoảng cách của mỗi người ngày càng xa. Hàng ngày bước vào phòng con, chiếc ghế, bàn học, giường ngủ... Gục mặt vào chăn nệm trong phòng con, người cha cảm nhớ đến mùi và hơi ấm của con mình. Nhưng tĩnh giấc, một mình trong phòng trống đánh thức và báo cho ông biết, con không có ở đây, nó đi rồi”. Nước mắt ông lăn dài trên đôi gò má hốc hác, bàn tay ông xoa nhẹ lên chiếc gối bông mà con ưa thích, mĩm cười đơn độc ông bảo với chình minh:


Cho dù con trẻ không muốn mình trong đời nó, chối bỏ sự hiện diện của mình. Nhưng tôi vẫn ở đây. Có thể trong mắt nó, mối liên hệ này đã bị huỷ hoại, không còn nữa. Con ợi, không cò gì là over cả. Cha vẫn là cha của con, vẫn yêu con, thương con bất kể con làm gì”.


Đôi chân khẳng khịu ông sụp mình xuống sàn nhà, nguyện cầu con trẻ được bình an.

Bước ra ngoài, đối diện với bà con làng xóm, có lúc ông bịt tay, lẫn tránh, cả nổi giận khi nghe người khác bảo, “Con ông thật tệ. Nó chẳng làm nên trò trống gì nữa. Quên nó đi”. Nổi đau càng trĩu nặng. Ông không muốn một ai khinh rẻ con mình. Càng không cho phép ai hất hủi và xa lánh nó. Trong mắt ông, con của ông vẫn là đứa con ngoan và luôn được yêu. Nó chỉ là đang hoang mang, lầm lẫn. Ông không mất niềm tin. Ông biết con ông sẽ trở về, sẽ là một thanh niên hữu dụng trong xã hội và cả giáo hội. Ông càng tha thiết với lời kinh. Buổi sáng thức giấc, ông bắt đầu với hy vọng. Thật sâu trong đáy lòng ông gần như reo lớn với chính bản thân: “Hôm nay sẽ là một ngày đặc biệt. Ngày mà tôi khắc khoải chờ mong. Ngày gặp lại con. Tôi sẽ lại được ôm con trong vòng tay của mình...” Từ lúc mặt trời mọc, đến khi hoàng hôn buông xuống, hy vọng nhiều bao nhiêu, thì thất vọng, xót xa, cổ họng ông đắng bấy nhiêu. Tim ông tan vỡ, đời sống ông nặng nề, mắt cũng mờ đi vì lệ nhoà, sức khoẻ yếu dần, vì con ông vẫn chưa trở về. Ngày qua ngày, ông tiếp tục chờ, tiếp tục hy vọng.


***

Tội trong đôi mắt của lương tâm, thật quả đáng sợ và hậu quả thì không lường. Tội không chỉ đơn thuần lỗi phạm với trời mà còn ảnh hưởng đến anh em, người thân bên cạnh. Tội của một người có thể dẫn đến gia đình đổ vỡ, vết hằn trong tim rướm máu, chia cắt thân tình và còn biết bao những hệ lụy. Như đứa con trong dụ ngôn "Người con hoang đàng", biết là quay về sẽ phải đương đầu với rất nhiều những éo le. Hậu quả của tội, khiến anh ta không còn khả năng tha cho chính mình, đẩy anh xa rời và đánh mất nhân phẩm của mình. Nhưng dù thế nào, vẫn phải trở về thôi, nếu không thì chết mất. Trong cái hoang hãi của thất bại, bị ruồng bỏ, đói khát, anh nhớ lại những ngày sống trong vòng tay của Cha mình. Nơi đó, luôn có ấm áp, có tình thương. Và Cha anh luôn hào phóng và từ ái với tất cả những ai đến với Người.


Anh ta quyết đinh, đứng lên và trở về. Thế còn chúng ta ! Làm sao để có thể nhận ra mình đang lỗi phạm? Và trong thân phận kẻ tội lỗi, ta có dám làm cuộc trở về không? Trở về thì được gì?

Câu chuyện "Người con hoang đàng" thật ra nhắm đến "Sự hào phóng tình thương" của người Cha nhiều hơn. Chuyện kể, đứa con sau những tháng ngày sống trác táng, cuối cùng lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, bị xã hội ruồng bỏ...Để có thể "sống" nó quyết định "trở về".


Ngày ngày người Cha ra ngõ đứng trông ngóng con mình. Và cuối cùng, ngày mà ông chờ đợi đã đến. Bóng con trai thất thiểu từ xa, dù người ngợm chẳng giống ai, ông vẫn nhận ra và chạy đến ôm chầm lấy con, hôn lấy hôn để vì chưa khi nào ông ngơi đi nổi nhớ và thương con. Đôi tay ông phủ lên đôi vai gầy của con, đầu ông cúi xuống, mắt ông nhòa lệ, tim ông lại nhói đau. Lần này, ông đau không phải vì bản thân của mình, không vì ông đã từng mất con, không vì nổi thương nhớ làm vết thương ông rát buốt. Lần này ông đau vì thấy con mình bị xỉ vả, bị nổi xấu hổ chẳng dám nhìn ai, bị rơi xuống tận cùng của cuộc sống, đói, áo quần tả tơi, hôi thúi, đôi chân trần đầy bụi đất và rỉ máu vì da thịt bi cắt bởi đá và những vật cản trên đường. Thật sâu tận đáy lòng, ông thốt lên:


"Ước gì Cha rằng có thể chịu đựng tất cả những nỗi đau đó cho con; Ước gì Cha có thể chia sẻ tất cả những ngày mà con đang đói. Ước gì Cha có thể đã ở bên cạnh con, gánh thay tất cả những khổ đau thay cho con. Vì con là con của Cha".


Người Cha trong dụ ngôn có ý ám chỉ Thiên Chúa. Chúng ta cũng nên hiểu rõ, Thiên Chúa không là người cha như các bậc cha mẹ trong đời thường. Chúng ta luôn có giới hạn, kể cả tình yêu. Nhưng Thiên Chúa thì khác, Người luôn yêu thương, bao dung, không bao giờ bỏ chúng ta.


Nói đến đây, tôi phần nào hiểu hơn lý do tại sao Chúa bằng lòng xuống thế làm Người ở bên cạnh chúng ta, và bằng lòng chịu chết khổ hình trên thập giá để gánh lấy tội lỗi của nhân loại. Thiên Chúa tạo ra bí tích giải tội không phải vì Người, càng không phải để thỏa mãn bản thân hay tìm được sự vui mừng cho chính mình. Nhưng Người lập bí tích giải tội vì chúng ta và cho chúng ta. Hình ảnh người Cha trong dụ ngôn hối hả và tin chắc đã chuẩn bị cho ngày này từ rất lâu bảo gia nhân, mang nhẫn, mang áo mới và xỏ giầy cho đứa con vừa trở về giúp ta nhân ra được nét đẹp của bí tích giải tội. Để nhờ đó chúng ta được phục hồi và lấy lại phẩm giá làm người của chính mình và cũng có thể hòa giải với người khác. Lòng người Cha bao dung, chờ đợi và đón con trở về không một lời trách móc, không hỏi han vặn vẹo, không chua chát đay nghiến, chỉ có sự hoan hỉ mừng con đã trở về. Không có gì quan trọng hơn là có thể ôm được con mình lại trong cánh tay của mình.


Có thể đứa con trở về chỉ vì đói, vì miếng ăn. Nhưng giây phút mà nó gục đầu vào vòng tay ấm, vùi mình trong lòng của Người Cha, nó nghe được tiếng thổn thức của Cha. Những giọt nước mắt của Cha nó chảy dài trên đôi gò má hốc hác vì nổi nhớ thương con, làm ướt mặt của nó. Nước mắt và vị mặn của tình thương có năng lực xóa sạch những lỗi phạm và giúp nó được ơn chữa lành. Có lẽ đây mới chính là giây phút tuyệt vời nhất của bí tích giải tội. Đứa con cảm nhận được mình luôn được yêu, được chấp nhận, được tha thứ. Đứa con biết có người luôn yêu mình bất kể mình bất xứng đến thế nào. Cảm nhận được lỗi phạm đã làm Cha mình buồn đến là nhường nào. Ân sủng Chúa giúp nó được ơn hoán cải, trở thành một người khác.


Giờ phút này, nó có thể tha thứ cho chính mình, vì nó hiểu: Cha không bao giờ muốn nó phải sống trong dằn vặt tự hối, khổ sở. Cha luôn muốn nó sống bằng an và hạnh phúc. Vì Cha mình, nó phải tha thứ cho bản thân và phải thay đổi. Sâu trong lòng với tất cả tự hối, đứa con tự bảo với bản thân: "Tôi nhất định phải sống cho thật tốt, phải dốc lòng chừa cãi và xa lánh tội lỗi. Tôi không thể làm cho Cha tôi lần nữa đau lòng. Tôi không cho phép Cha lần nữa lại khóc vì tôi."


Thế nhưng trong lúc ôm người con thứ trong vòng tay, vết thương khác lại đến làm lòng Cha trĩu nặng. Người con trưởng lại vẫn chưa "trở về", hắn từ chối bước vào nhà khi biết em mình đã về. Đây là hành trình thứ hai, hành trình của bạn và hành trình của tôi. Trong hình ảnh người cha, người anh cả, người con thứ, chúng ta là ai? Hậu quả của tội lỗi khiến chúng ta phải sống trong nỗi buồn, vẫn đau đớn, vẫn cảm thấy cay đắng và oán giận. Đôi khi, Chúa mời gọi chúng ta phải bỏ đi niềm tự hào, cái tôi của mình, khiêm nhường cúi xuống để có thể ôm "em" mình. Bằng cách này hay các khác, chúng ta luôn sống trong tình trạng của lỗi pham. Và tự bản thân chúng ta không thể thoát ra đươc. Chúng ta cần giúp đỡ.


Bí tích giải tội là món quà của tình yên, nhưng có muốn nhận lãnh món quà ấy để được làm lành, được trở về và tìm lại sự an vui đích thực không vẫn là do ở quyết định của bạn. Ước gì chúng ta hãy mau mau và luôn ý thức được sự tai hại của tội và quan trọng hơn vẫn là biết mình luôn được yêu để có thể kịp thời trở về hòa giải với Chúa và với anh em, người thân của mình.


Hèn Mọn

Faith Formation at Saint Marcellinus, Sept 2019



Comments


bottom of page