top of page

Vườn Cây Dầu: Ơn chữa lành

  • Writer: Trầm Hương
    Trầm Hương
  • Jan 30
  • 11 min read


Nhìn lại năm qua để định hướng cho những ngày sắp tới, tôi thật không thể không nói đến lòng biết ơn và sự cần thiết của việc vào "Vườn Cây Dầu". Nơi đây khá tĩnh lặng, có lúc thấy như quá mênh mông, và cả sự cô độc. Nhưng nhờ vậy tôi cảm nếm được tình của Cha Chí Ái, đón nhận và đối diện với cuộc sống thông qua các mối tương quan trong ánh mắt của yêu thương và cảm thông hơn. Một năm học và trải nghiệm không ít, điều mà tôi mong được mỗi ngày bén nhậy hơn đó là:


*Lắng nghe với cả trái tim

*Đối diện với những xúc cảm của mình

*Can đảm bước theo tiếng gọi bên trong


Tất cả những gì tôi đã đi qua, nếm hưởng đều nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.  Từng bước, từng bước … Ngài chuẩn bị để tôi được trở nên chính tôi của ngày hôm nay. Nhìn lại ba sự kiện xảy ra trong năm nay, càng xác tín trong tôi rằng: Hoa quả mà tôi được ban tặng là kết quả của những ngày tháng dài đi từ cái "Tôi muốn", đến cái, "Ngài muốn", và xem chừng ra giờ đây, cánh cửa mới lại mở ra,"Chúng ta cùng muốn." 


*Lắng nghe với cả trái tim


Thứ nhất là tôi vừa kết thúc khóa học huấn luyện linh hướng.  Một hành trình dài, mà 9 năm trước đây tôi không sao có thể nghĩ đến.  Chúa làm việc thật lạ lùng. Tự lúc nào?  Thú thật tôi không biết. Nhưng ngày qua ngày, tôi hiểu hơn.  Mỗi người trong chúng ta dù muốn hay không, đối diện với thách đố, thăng trầm trong đời thường là việc chẳng ai có thể tránh. Cần phải thay đổi não trạng, nhìn mọi sự ở một khía cạnh khác. Hành trình này cũng giúp tôi ý thức đặc biệt trong những lúc đối diện với đêm tối cuộc đời, câu hỏi mà mỗi người trong chúng ta phải đặt ra không là, "Làm sao để giải quyết vấn đề?" mà là, "Trong vườn cây dầu của đời mình, việc gì đã xảy ra? Những biến chuyển trong nội tâm của tôi dẫn tôi đến đâu? Và khi ấy, ai là người ở cùng tôi?"   Kinh nghiệm những phút giây được cùng lao tác với Ngài, giúp tôi nhận ra sức mạnh chữa lành từ những câu chuyện được kể lại khi lắng nghe anh em. Trong mục vụ đồng hành thiêng liêng, những câu chuyện kể lại rất quan trong vì chúng có khả năng giúp chúng ta có thể chủ động xử lý và diễn giải những trải nghiệm của mình, đồng thời tìm thấy ý nghĩa trong những dằn co của cảm giác, để rồi tạo điều kiện cho sự chữa lành và phát triển tâm linh.


Tuy nhiên khi ấy ai là người đồng hành với mình rất là quan trọng. Một thanh niên đã òa khóc và bảo tôi: "Cám ơn vì bạn đã nhẫn nại lắng nghe tôi.  Hầu hết người ta chỉ muốn lắng nghe những gì mà họ muốn nghe từ tôi.  Họ không lắng nghe những điều tôi muốn nói." Sau đó, trong nước mắt, chàng trai trẻ đã mở lòng như một đứa trẻ kể cho tôi nghe những dự tính, ước ao.  Trước khi kết thúc, anh ta còn cười tự hào mở phone và khoe với tôi những câu châm ngôn mà anh ta đã viết xuống để tự nhắc nhở anh tiếp tục vững bước trong hành trình sống của mình. Tôi ngước mắt lên cao, ngụ ý bảo "Đừng cảm ơn tôi, hãy cảm ơn Thượng Đế, Đấng đã tạo dựng chúng ta."


Một trong những bài học về lắng nghe mà tôi ý thức được mình cần phải có đó là: “Thật sự mong mỏi lắng nghe và lắng nghe với tất cả lòng thương mến không xét đoán. Nếu như tôi chưa sẳn sàng và không có thái độ này, thì tốt nhất vì sự trân trọng người đối diện, tôi cần phải rút lui khỏi cuộc trò chuyện.”


*Đối diện với những xúc cảm của mình


Thời con gái lưng ong, hình ảnh cô gái con lai bị đuổi ra khỏi nhà giữa đêm đen và phép lạ được tham dự khóa tĩnh tâm linh thao trước ngày rời trại tị nạn, thúc đẩy trong tôi nhiệt huyết thực thi công bình cùng sự quyến rũ êm đềm của những phút giây ngồi bên Cha Chí Ái. Nhưng có lẽ khi ấy, cái mà tôi muốn cho Chúa chỉ là một phần trong muôn vàn những dự tính cho tương lai. Chúa không thích cái dở dở ương ương này. Ngày tháng trôi qua, như bao người khác, tôi lập gia đình, có con, lao mình vào những bổn phận, những khát vọng. Tôi không ngừng tìm tòi và học hỏi để có thể có được đời sống tốt nhất trong khả năng. Cho đến một ngày, tôi ngơ ngẫn nhận ra tất cả những gì mình đang có trong tay, những gì mà tôi từng cho rằng đó là gia tài của tôi, là sự sống của tôi, là tương lai của tôi, bỗng dưng vụt bay. Tôi hụt hẳng, nhưng tôi kiêu ngạo cho rằng mình vẫn "ổn", không vấn đề vì tôi không hề càm ràm hay cay nghiến cuộc sống. Tôi chỉ đơn thuần tự trách: "Chúa ơi, con làm sai điều gì? Con thiếu sót điều chi?" Tôi ép nhẹm không đối diện với cảm xúc của mình, và dần dà điều này đã dẫn tôi vào trạng thái hoảng loạn và trầm cảm. Khi này thì trong "vườn cây dầu", tôi bắt gặp ánh mắt Ngài. Tôi biết mình không ổn tí nào cả.  Tôi hét lên giữa đêm tối: "Con cũng là con của Người. Phải cứu con."  Trong vườn dầu của đời mình, đối diện với Ngài, tôi không còn mạnh miêng, "Con muốn”, mà là, "Lạy Chúa, đây là ý con, nhưng nếu Cha muốn...con xin vâng." Và từ đó những cánh cửa cứ dần mở ra.   Ngài dẫn tôi đi. Từng bước...từng bước. Một ly nước nếu đã đầy, sao có thể nhận thêm nữa. Tôi thấm thía lời mời gọi buông xuống, mong chẳng còn gì. Vì chỉ như vậy, ơn Chúa mới có thể tuôn trào.  Tuy nhiên giống khá nhiều người khác, bước ra khỏi vườn cây dầu là tôi lại thấy mình run rẩy và yếu nhược. Như người đệ tử, tôi không thích xuống núi, tôi không muốn ra khỏi vườn cây dầu. Sau này tôi mới hiểu đây là một trong những lý do tôi đeo đuổi lại ước ao được sống đời thánh hiến. Lời nói của nữ tu coi sóc ơn gọi đánh động tôi khá mạnh:"Chị đã làm mẹ, thì ơn gọi của chị sẽ mãi là làm mẹ." Tôi như cảm được Ngài mong muốn tôi trưởng thành, không ỷ lại. Tôi tin Ngài thấy tôi tạm đủ sức để bước vào trận chiến. Kinh nghiệm trong đời thường sẽ giúp tôi trưởng thành và chững chạc hơn.


Sự kiện thứ hai trong năm nay đó là, tôi được nhận vào chương trình huấn luyện tuyên úy (cái tên này to quá- khiến tôi luôn rụt rè) trong nhà thương. Hơn 400 tiếng vừa học, vừa làm, tôi nhận ra, "Cần phải để ý đến những xúc cảm nhỏ nhỏ, thậm chí mình không hề nhận ra." Mỗi tuần tôi phải trình bày với nhóm và với riêng người huấn luyện một buổi gặp bịnh nhân (supervision). Mỗi lần viết trải nghiệm tôi luôn cầu nguyện, “Xin Chúa cho con biết buổi gặp gỡ nào Chúa muốn con nhìn lại sâu hơn.” 


Tuần lễ đó, có môt buổi gặp gỡ tôi cho rằng tôi đã lắng nghe rất tốt.  Vì tôi đã có thể kiềm được xúc cảm của mình, không xét đoán, không bực bội, chỉ hứng thú nghe anh ta kể chuyện. Tuy nhiên, khi người này chia sẽ có chút mần móng của xét đoán, lên án người Viêt Nam, trong tích tắc tôi đã lên tiếng biện minh lý do tại sao chúng tôi phải rời bỏ quê hương, thậm chí có người bỏ mạng trên biển tìm đường định cư ở nước thứ ba. Trong vô thức dường như có điều gì thúc đẩy tôi.  Có điều gì đó Chúa đang muốn dạy tôi mà tôi đã không ý thức được .  Buổi gặp gỡ này đã để lại trong tôi cảm giác bâng khuân mà bản thân tôi không thể đặt tên cho nó. Sau khi cầu nguyện tôi quyết định mang nó vào buổi chia sẽ. Lần đó ba người bạn cùng khóa đã hỏi tôi rất nhiều, thâm chí thầy giáo cũng nói rằng: “Tôi muốn bạn dừng lại và nói rỏ ra cảm xúc của mình.  Lý do gì nào thúc đẩy bạn lên tiếng giải thích sự lên án đó?”  Tôi phải đi qua đến hai buổi huấn luyện cho chỉ riêng phần này. Cuối cùng tôi nhận ra, đúng là trong tôi luôn có những bực bội nho nhỏ. Tôi luôn cố lẫn tránh và để cho qua những cảm giác ấy vì cho rằng "chuyện nhỏ".


 Trong lúc trả lời các câu hỏi, tôi nhận ra một vị khách không mời đã xuất hiện trong tâm trí mình. Tôi nhớ lại có những lần gặp gỡ với các anh em khác, có người đã bâng quơ nói với tôi:" Trên đường đi, có những người ỷ y, để cho người khác làm hết việc ", hay "có người cứ muốn đeo đuổi các lớp học, lấy các bằng cấp...", hoặc "cô ta làm vậy vì đâu có chuyện gì khác để làm."  Tôi không thấy thoải mái, nhưng tôi không quan tâm vì cho rằng tôi biết việc tôi làm. Dẫu rằng tôi suy ngẫm những câu nói đó như một cách nhắc nhở tôi ý thức hơn những gì mình đã đang và sẽ làm trong tương lai, nhưng thú thật sự quý nể và mối tương quan dần dần có phần bị rạn nứt. Bản thân mỗi khi đi bên cạnh người đó hay một ai quá giỏi tôi luôn bị mất tự tin, cảm giác kiệt sức, không còn tin tưởng và có lúc muốn tránh né không tiếp cận với họ. Điều này dẫn đến hậu quả, sau này khi đối diện với những người có cùng xu hướng như vậy, tôi không còn có thể lắng nghe cách trọn vẹn và trong vô thức cách tôi ứng xử có lúc đã không xứng hợp.


Cần phải để ý đến những biến chuyển trong nội tâm. Nếu chúng ta giữ được mối liên kết với những gì đang diễn ra bên nội tâm của mình thì khi lắng nghe người khác, chúng ta mới có nhiều khả năng đoán được những gì đang diễn ra nơi người khác. Và nếu tôi muốn nhận thức được trạng thái bên trong của mình thì tôi cần phải đặt tên cho nó. Khi cảm giác chỉ ở mức vô thức, thì các hành vi của chúng ta có thể bị thứ cảm giác này cầm giữ, làm chủ.  Một Cha linh hướng từng nói: “Khi bạn lên tiếng chia sẽ, thì những tư tưởng của bạn sẽ thiết thực hơn, bạn nắm được rỏ hơn. Nhưng khi chỉ giữ trong đầu thì những tư tưởng đó cứ như đám mây trôi lơ lững, mơ mơ màng màng.” Tôi cảm ơn Cha cho nhận thức này.


"Pay attention on microaggression!" Tôi nhớ lời dặn dò này của ngưòi huấn luyện. Tôi vốn dĩ đã rất quý, nay tôi càng thấy biết ơn và nhận ra sự cần thiết của việc tham dự các buổi supervision. Các buổi học hỏi supervision, không chỉ giúp tôi trao dồi nhân đức khiêm nhường, nhưng giúp tôi có cơ hội học hỏi lắng nghe từ sự khôn ngoan của anh em xung quanh và nhận ra những biến chuyển trong nội tâm của mình ngày một bén nhậy hơn. Tôi bắt đầu cầu nguyện cho các linh hướng và những người giúp hướng dẫn trong mục vụ này. Tôi biết họ cũng là người như tôi. Hỉ nộ ái ố, không tránh khỏi.  Tuy nhiên cái đẹp không ở chỗ hoàn thiện (vì thật ra chẳng ai là trọn hảo cả). Nhưng tuyệt vời là sau khi đặt lên bàn tất cả những tiếng nói, những cảm nhận, chúng ta vẫn có thể ngồi với nhau, thương nhau và tiếp tục trong khiêm nhường nâng đỡ nhau bước tới mong muốn mỗi ngày được trở nên phiên bản tốt nhất có thể trong ân sủng và bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.     


*Can đảm bước theo tiếng gọi bên trong


Điều thứ ba xảy ra trong năm nay đã dẫn đến thay đổi trong tôi đó là con trai ra trường. Tôi phải ngồi cùng bàn, dùng bữa với ba mấy đứa nhỏ và bạn gái của anh. Tôi đã phải nhờ những người bạn thân quen thêm lời nguyện để tôi có thể làm được. Cô công chúa ở nhà bảo: "Con cầu nguyện cho mẹ. Vì anh hai, mẹ cố gắng nhe. Con tin ở mẹ." Tình yêu và tin tưởng ơn Chúa đủ cho mình đã giúp tôi đối diện. Trước đây tôi cho rằng, mình đã đi bước khá dài đó là vẫn yêu và yêu người bạn này trong tình người.  Nhưng khi tôi can đảm lên tiếng cảm ơn và chúc lành cho anh chị, tôi như hoàn toàn buông xuống được gánh nặng mà nhiều năm không sao có thể để xuống. Tôi thật mong anh biết trân quý người bạn hiện tại, sống cho thật tốt. Có lẽ cá tính của tôi là sợ hãi. Tôi luôn không dám tin tưởng mình có thể làm được. Tôi nhớ khi vào học, mỗi người chúng tôi phải viết xuống mục đích và phương cách mà mình muốn làm để đạt được điều mình mong mỏi. Tôi đã viết xuống: My learning goal is overcome fear. Tôi muốn trong những tháng huấn luyện đó, tôi học được cách để vượt thắng sự sợ hãi luôn cầm giữ mình.  Các bạn trong nhóm và người huấn luyện luôn thách đố tôi: "Mỗi khi bạn đặt câu hỏi cho bịnh nhân, bạn nói rằng bạn luôn âm thầm xin Chúa đặt Lời trong miệng bạn. Vậy thì bạn không hề có sự tự tin rằng bạn làm được sao? Vậy nếu như điều mà bạn nghe trong lòng không đến từ Thiên Chúa mà đến từ một thế lực khác thì sao?" Những lúc suy tư về điểm này, tôi nhớ đến một linh hướng từng nói: "Khi làm việc mình xin Chúa Thánh Thần trợ hứng và soi sáng để mình có thể chu toàn phần việc được giao." Trong cách chia sẽ, lời nói, cử chỉ, ánh mắt, cung giọng sẽ nói lên phần nào tâm tư và con người của mình. Tôi bắt chước và học cách xin ơn của người linh hướng này. Dần dà tôi thấy mình can đảm hơn và tự tin hơn.  Không vì tôi có thể làm được mà chính bởi vì tôi tin thần khí Chúa luôn không ngừng làm việc trong tôi. Ngài chẳng những yêu thương, vỗ về, dạy dỗ, uốn nắn mà còn tin tưởng nâng tôi lên. Tôi nhận ra không biết từ lúc nào trong những lúc làm việc và phục vụ, cả trong đời sống tôi ý thức và đã có thể mạnh dạn khẳng định vai trò của mình: “Tôi là một bạn đường cầu nguyện. Tôi được mời gọi bước vào mục vụ giúp đồng hành thiêng liêng với anh chị em.” Không sao vượt thắng tất cả những nổi sợ trong đời. Tuy nhiên giờ đây nó nhường chỗ cho một ý thức khác. Đối diện với những nổi sợ giúp tôi biết khiêm nhường nhận sự giúp đỡ, hỏi ý. Đối diện với nổi sợ giúp tôi cẩn thận và đừng quá chủ quan khi bước vào hành trình sống. Đối diện với nổi sợ, giúp tôi biết cảm thông và nhẫn nại hơn với anh em và với chính bản thân. Và điều cần thiết hơn cả là khi đối diện với nổi sợ giúp tôi biết được tôi không cô đơn vì trong vườn cây dầu, Ngài ở đó cùng tôi.

***

Ít ai muốn vào vườn cây dầu, vì nơi đó tĩnh lặng và mênh mông quá. Vườn cây dầu với nổi sợ hãi, lẽ loi, chống cự và phòng vệ.  Và chỉ khi bạn hoàn toàn đầu phục, đầu gối chạm đất, cái ngông nghênh kiêu hãnh của bản ngã nhường chỗ cho lời đầu thú: "Lạy Cha, có những điều con thật không muốn, có những điều còn quấy động trái tim con, nhưng xin cho ý Cha được thực thi". Khi này, vườn cây dầu sẽ trở nên nơi hẹn hò thú vị và êm ả.  Nơi đây, bên người yêu, ta mới có thể nếm hưởng được mật ngọt đậm đà, cả cái mặm mà của giọt nước mắt trong hạnh phúc.


Măm mới đến, xin ban ơn để con có thể bước từng bước bên Ngài và mỗi ngày có thể "khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu" hơn (Matt 10:16)

 

ThúyHuong

Ngày đầu năm Ất Tỵ, 2025

 
 
 

Comments


bottom of page