Về NHÀ thôi
- Trầm Hương
- Sep 21, 2019
- 6 min read

Đọc lại dụ ngôn “Người con hoang đàng”, tôi thấy có điều gì đó không ổn. Câu trả lời lấp lững của Cha già linh hướng luôn là một dỡ dang, đòi hỏi người nghe cần phải tự tìm câu trả lời cho chính mình. Đọc các bản văn, hay nghe Ngài thuyết giảng, nhiều lúc tôi đau đầu quá. Đôi khi tôi chỉ muốn gạt qua một bên, chuyển hướng đi kiếm nguồn chia sẽ khác với hy vọng tìm được câu trả lời có thể thoải mái hơn. Cơ hồ tôi nhận ra, những lý luân của các nhà thần học, giải thích của các vị linh hướng đạo đức, chỉ là phương tiện dẫn tôi tìm sâu hơn. Nhưng đoạn kết thế nào, nếu muốn biết vẫn phải để cái đầu làm việc theo sự hướng dẫn và những chuyển động từ tiếng nói bên trong của riêng mỗi người.
Trong bốn nhân vật: Người con thứ, người con cả, người cha hay những người không liên quan đứng nhìn ... tôi là ai?
Dân gian có câu: “Nếu hôm nay không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày.” Xã hội ngày nay đảo lộn trật tự. Cha mẹ lại sợ con cái, “chúng là ông trời”. Đúng là người ta bận quá, tất bật lo làm giàu, ngược xuôi tìm kiếm vinh quang, họ thấy có lỗi vì đã ăn cắp thời gian với gia đình. Vì thế họ cố bù đắp. Và cách xem ra phổ biến nhất, nhưng tệ nhất là thoả mãn những đòi hỏi của bọn trẻ. Nghĩ đến hậu quả của tội và tiếng nói lương tâm, tôi không cho phép bản thân làm ngơ trước bổn phận đã đước trao ban. Trách nhiệm làm mẹ.
Có lúc tôi tự hỏi:
“Sao người Cha trong dụ ngôn lại bằng lòng trao tài sản cho đứa con thứ?”
Tôi không thể hiểu trọn vẹn ý người cha trong câu chuyện. Nhưng tôi chắc chắn ông đã rất đau khổ, khuyên răn hết lời, cắt nghĩa thiệt hơn. Nhưng ông không dùng quyền để trói buộc đứa con. Nó vẫn ra đi, ông đành phải chấp nhận thôi.
“Ông có bao giờ đi tìm xem nó sống ra sao trong thời gian xa nhà không?”
Chắc chắn ông biết mọi việc xảy ra với con trai. Vấn đề là đứa con. Nó không muốn về nhà, không dùng món mà cha nó chuẩn bị, thì biết làm sao? Trong chỗ đứng của người con thứ, tôi muốn thương hơn trách. Nhìn qua các luật lệ, tôi chỉ thấy người ta lên án các phụ huynh nếu như không lo cho các con đủ ăn, đủ mặc. Nhưng chưa hề thấy điều khoản nào bảo phải dạy con hiếu thảo, sống chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Điều này ngoài tôn giáo ra, không tìm thấy nơi nào khác. Nói như vậy không có nghĩa đỗ lỗi hoàn toàn nơi cha mẹ. Đứa con cũng phải gánh lấy hậu quả cho quyết định và cách sống của mình.
Tiếp xúc với giới trẻ, lòng tôi có lúc quặn đau. Đã qua một thời gian không ngắn, thế nhưng tôi không thể nào quên được hôm ấy. Cùng với mẹ, tham dự thánh lễ misa sáng thứ bảy. Nhà thờ khá đông. Tôi nhớ giọng nói nghẹn ngào, khuôn mặt nhạt nhoè vì ướt lệ của cô bé trong thánh lễ tiễn đưa mẹ của cô. Em khóc rất nhiều vì đã không còn có thể nói lời xin lỗi.
Tôi mong một đổi thay, nhưng tôi lại không thể thay đổi thế giới này. Tôi phải bắt đầu từ chính mình. Ước mong trong vai trò của một giáo lý viên, với hết tình thương và ơn Chúa, có thể giúp bọn chúng hiểu được chúng luôn được yêu. Mong chúng bén nhậy và đừng hờ ơ bỏ qua tình thương mà mọi người xung quanh trao ra. Xin Chúa cho chúng có thể sống với lòng biết ơn cho những gì được nhận lãnh.
Cuối cùng là nhân vật người con cả. Đây quả là một thách đố lớn. Vì nó chính là hiện thân của mập mờ giữa trắng đen, đúng sai. Bước về phía nào xem ra cũng có lý hết. Nó phải tranh đấu rất quyết liệt, vì cái giới hạn trong thân phận phàm nhân luôn kéo ghì nó lại. Không cho nó buông mình quỳ xuống để ôm lấy em mình. Những ngày dài phải gồng mình gánh lấy phần việc mà lý ra là của thằng em “cà chớn” kia, khiến nó nổi giận. Trong giây phút lấp lững “có nên bước vô nhà không?”, đâu đó có tiếng cười rờn rơn cùng với dáng dấp ớn lạnh của lũ quỹ đang nhãy cỡn lên xung quanh khiến nó rùng mình. Tình thật, tự bản thân làm sao mà nó thắng được cả đám quỹ kia.
Tạ ơn Thượng đế. Cha nó đến bên cạnh. Ánh mắt Cha nhân ái, đôi bàn tay Cha đưa ra, chờ nắm lấy tay đứa con mà mình hết mực thương yêu, kéo ra khỏi cái vùng tối ấy. Chỉ là nó có muốn nắm tay Cha không? Muốn về nhà không mà thôi.
Rồi lại đến đám gia nhân và cả đống người bên ngoài, tự cho là không liên can. Nhưng lại thích bàn chuyện người khác. Chẳng những không giúp gi được, còn làm cho việc thêm rối.
Mỗi người trong chúng ta, tuỳ thời điểm, nơi chốn và đối tượng đều đã đang và vẫn luôn sống trong từng nhân vật trên. Những cố gắng phấn đấu trong cuộc sống có ý nghĩa gì cho cuộc trở về? Chẳng ai hiểu kết cục của câu chuyện thế nào. Có lẽ phải đợi đến lúc trở về và bước vào Nhà thôi. Nhưng đâu mới thực là Nhà? Nhà ở đâu?
***
Hôm nay lại có một đám tang. Người nằm đó vẫn còn trẻ. Cả nhà và ngay bản thân anh cũng từng ngớ ngẫn không cam lòng với thực tế. Vùng vẫy với cuộc chiến nội tâm, sau cùng họ trở nên thinh lặng. Tôi chẳng hiểu lòng mọi người nghĩ gì? Chỉ biết dâng anh trong bàn tay từ nhân của Thiên Chúa. Xin Người thương thứ tha những yếu đuối lỗi phạm và sớm đưa anh về lại bên cạnh Người. Cả người thân của anh cũng thế. Người đã đi rồi, biết đâu anh đang ở một nơi rất hạnh phúc. Chắc chắn trong tâm tình là chồng, là cha, là anh em...Anh không muốn người thân đau buồn.
Những việc xảy ra gần đây, làm tôi nhớ lại lời dặn dò của Cha linh hướng khi hành hương Đất Thánh lúc cả đoàn đi Đàng Thánh Giá, dừng lại ở nơi Chúa bị té ngã. Ngài nói đến đôi mắt Chúa và muôn vàn ánh mắt của các thiên thần từ trời cao nhìn xuống, cũng như của từng người trong chúng tôi khi ấy. Chẳng ai giống ai. Ngay cả tiếng thở đứt đoạn, lời nhắn nhủ của Chúa cũng rất riêng tư cho từng người.
Tôi lại, nhớ đến lời giải thích về nổi đau của Chúa trong vườn cây dầu. Nghĩ đến anh trong cỗ quan, nghĩ đến người thân sầu khổ, nhìn lại phận mong manh của mình, trong thinh lặng... tôi thầm xin ơn can đảm nhìn thẳng vào đôi mắt của Chúa, để có thể hiểu được trong thân phận làm người, Chúa Giesu cũng phải chiến đấu. Và vũ khí duy nhất của Người là cầu nguyện, bám vào Chúa Cha để có thể yêu cho đến cùng.
Cuộc sống có nhiều chuyện không như ý thật. Vui hay buồn, không quan trọng. Cái quan trọng là có thể nhìn xuyên được qua các biến cố, để nhận ra ý Chúa và tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống. Biết đâu sự ra đi đột ngột của người thân, những biến cố thăng trầm lại là lời mời gọi chúng ta bắt chước Chúa để yêu , hay đua vai gánh đỡ phần nhọc nhằn của người khác. Hoặc nếu nổi đau là từ chính mình, thì sẽ có thể cảm nhận được nổi đau của Chúa càng thấm thía hơn, gần Người hơn.
Chúc bạn tôi một cuối tuần an bình.
Hèn Mọn, September 20,2019
Comments