top of page

Yêu là khao khát được ở cùng

  • Writer: Trầm Hương
    Trầm Hương
  • Sep 1, 2020
  • 9 min read


Các bạn thân mến, tùy theo mỗi góc cạnh mình sẽ nhìn sự việc một cách khác nhau. Thánh Phalo nói: “Trong ba nhân đức, đức tin-đức cậy-đức mến, đức mến là quan trọng hơn cả.” Vì vậy hôm nay chia sẽ đề tài "Sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bánh và rượu trên bàn tiệc Thánh", tôi muốn đứng ở góc cạnh của lòng mến để chia sẽ. Khi yêu ai cũng muốn được gần bên nhau, tìm mọi cách để thấy nhau. Chúa Giêsu cũng yêu chúng ta, vì lẽ đó Người đã xin với Chúa Cha "Lạy Cha con muốn rằng Con ở đâu thì những người Cha ban cho Con cũng ở đó với Con"(Gn 17:24). Thiên Chúa là Cha, là tình yêu. Người hết mực yêu thương nhân loại vì lẽ đó Người luôn mong mỏi ở gần chúng ta.

***

Cách đây vài năm, một người bạn đột nhiên phát hiện mình bị ung thư kỳ cuối. Bác sĩ nói, cao lắm là chỉ còn sống được khoảng 3 đến 4 tháng. Anh ta vô cùng lo lắng vì vợ cũng không khỏe, con trai thì chỉ mới 7 tuổi. Thương vợ con, anh ước có thể được kéo dài mạng sống một ít lâu hơn. Anh muốn được ở cùng những người mà anh hết mực yêu thương.

Các bạn thân mến, người ta có rất nhiều định nghĩa cho tình yêu. Nhưng có lẽ trong chúng ta ai cũng hiểu được, những người yêu nhau đều luôn khát khao được ở bên cạnh nhau. Được ngày đêm nhìn thấy nhau, trao nhau nụ cười, nói cho nhau nghe, chia sẽ ngọt bùi, cùng đi vào đời nhau. Con người còn yêu và thèm mong được ở bên nhau đến vậy, huống hồ là Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và đặt để trong chúng ta con tim biết yêu thương. Người còn yêu nhân loại đến nhường nào.

Nhìn lại suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hơn 2000 năm rồi, tin chắc bạn cũng đã không ít lần cảm nhận được những phút giây khắc khoải khao khát Thiên Chúa, đồng thời cảm nhận được tình yêu cao cả tuyệt hảo của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa vì yêu đã tự mạc khải chính mình để đến với con người, ở cùng con người[1]. Chúa Giesu chết trên thập giá, một minh chứng của tình yêu. Yêu cho đến cùng, bất kể nhân loại bất tuân, vô ơn thế nào, Người vẫn yêu và dung thứ. Vì sao? Đơn giản vì chỉ vì YÊU.

***

Nếu được hỏi Thiên Chúa là ai với bạn - Bạn sẽ trả lời thế nào? Người là tất cả; tùy tâm tình và vào mỗi thời điểm, Thiên Chúa có thể là Cha, là Anh, là Bạn và là Người tình của mình, phải vậy không? Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, tôi đặc biệt nghĩ đến mối tương quan Cha con, và Người Yêu, giữa tôi với Chúa Giêsu. Thông thường khi tham dự khóa tĩnh tâm Linh Thao, Cha linh hướng nhắn nhủ các khóa sinh khoan vội rước, mà hãy giữ lấy Chúa trong lòng bàn tay một vài phút. Ôm ấp, trân quý trong lòng bàn tay, nhìn ngắm, cảm nhận được sự động chạm thật sự Thân Thể và Máu của chính Chúa hoàn toàn khác hẳn với tâm tình khi nghĩ về sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày. Như tâm tình của đứa con sống xa Mẹ. Vẫn biết Mẹ có đó, nhớ Mẹ, gọi điện hỏi thăm, cũng rất được an ủi. Nhưng cái cảm giác mỗi lần được gặp Mẹ, ôm Mẹ, hôn Mẹ hay nằm bên cạnh Mẹ thật khác hẳn phải không các bạn? Thật hạnh phúc và êm đềm vô cùng. Đó cũng là cảm giác của tôi khi được lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa.


Tuy vậy, sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể thật là một việc không thể nào có thể giải thích tường tận được. Đây là một mầu nhiệm. Thật diễm phúc thay, Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta món quà của niềm tin, ơn khôn ngoan, kết hợp với lòng cảm mến, thế cho nên dù có những việc không sao có thể thấu suốt một cách tường tận trong khả năng con người, nhưng chúng ta có thể cảm biết được.

LỜI CHÚA PHÁN


Trước tiên, từ khởi đầu tạo dựng vũ trụ, Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Ánh sáng liền có; Phải có bầu trời, liền có bầu trời phân rẽ với nước; Nước dưới bầu trời phải tụ lại để chỗ cạn lộ ra, liền có mặt đất. v.v.(Sáng thế kỳ, chương 1). Lời Chúa phán, mọi sự thành sự. Trong cuộc sống, lời của một số người có thẩm quyền, có khả năng đổi hiện trạng người nghe. Một ví dụ mà các nhà dẫn giải hay dùng để chia sẽ đó là: Nếu như bạn, một người không có đặc quyền gì trong lãnh vực luật pháp, thì chắc sẽ không việc gì xảy ra. Nhưng giả dụ như một cảnh sát, cầm tờ giấy của tòa án, hay một thẩm phán tuyên bố "Anh bị bắt và có tội, sẽ ngồi tù ...' Không cần biết anh ta muốn hay không, lời của người này sẽ thay đổi hiện thực đó là anh ta sẽ bị bắt.


Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng toàn năng hằng hữu, LỜI Người phán mọi sự trở nên như ý Người mong muốn. Nhìn vũ trụ bao la, hùng vĩ và đẹp tuyệt vời, chúng ta biết được Chúa quyền năng đến là dừơng nào. Vì lẽ đó, trong bữa Tiệc ly, giữa các Tông Đồ, "Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em.Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22:19-20). Ngay giây phút ấy, bánh và rượu thật sự đã trở nên Mình và Máu của Chúa Giêsu. Sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể là một giáo lý - một giáo huấn chính thức của Giáo hội Công giáo - và là một mầu nhiệm sâu xa. Với những lời truyền phép, toàn thể Chúa Kitô hiện diện thực sự - Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính - dưới hình dạng của bánh và rượu[2].

PHÉP LẠ THÁNH THỂ


Có thể sẽ có người nói: Tôi tin vì tôi thật sự nhìn thấy trời đất, những kỳ công vĩ đại. Nhưng bánh và rượu trên bàn tiệc Thánh trở nên Mình và Máu của Chúa Kito, tôi chưa thấy, tôi chưa tin. Được thôi, trên thế giới đã chứng mình rất nhiều phép lạ Thánh Thể. Theo những nguồn tin được kể lại, tôi xin được phép chia sẽ với các bạn một vài phép lạ sau đây[3] :

*Phép lạ Thánh thể ở Lanciano

Một linh mục ở Ý vào thế kỷ thứ 8 đã không tin về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thế. Một lần cũng với sự ngờ vức ấy, trong lúc dâng lễ, khi vị linh mục này đọc lời nguyện truyền phép “Đây là mình ta, đây là máu ta”, thì diệu vời thay, bánh và rượu biến thành thịt và máu của người thật. Và máu kết tụ thành năm khối máu (sau này được cho là tượng trưng cho năm vết thương chí thánh của Chuá Giêsu. Tin tức về phép lạ được lan truyền nhanh chóng, và Đức tổng giám mục địa phương lúc ấy đã tiến hành một cuộc điều tra. Về sau Giáo hội đã công nhận phép lạ này. Thịt và máu vẫn được bảo toàn cho đến tận ngày nay. Giáo sư giải phẫu Odoardo Linoli đã tiến hành phân tích khoa học về mẫu thịt vào năm 1971. Ông kết luận rằng mẫu thịt là thuộc mô tim, máu có vẻ như là máu tươi (thay vì máu có 1200 tuổi, tính từ thời điểm xảy ra phép lạ) và không có dấu vết của chất bảo quản.

Tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng mẫu thịt và máu kỳ diệu này trong một lầnh hành hương đến nhà thờ San Francesco ở Lanciano, Ý.

*Phép Lạ Thánh Thể ở Santarém, Bồ Đào Nha – thế kỷ 13

Một phụ nữ sống ở Santarém, Bồ Đào Nha vào thế kỷ 13. Đau khổ vì chồng không chung thủy, bà tìm đến nhờ một phù thủy giúp đỡ. Người phù thủy đó ra giá với bà bằng một bánh thánh đã được làm phép. Một hôm sau khi rước lễ, bà đã lén lấy bánh thánh ra khỏi miệng, quấn vào khăn che mặt và lẽn đi ra khỏi nhà thờ thánh Stêphanô. Tuy nhiên trước khi bước ra ngoài, chiếc khăn đã đẫm máu được chảy ra từ bánh thánh. Về đến nhà, bà để bánh thánh trong môt cái rương và đêm đó một luồn ánh sáng huyền ảo phát ra từ chiếc rương ấy. Vừa sợ, vừa hối hận vì việc mình đã làm, bà đã đi xưng tội ngay sáng hôm sau. Bánh thánh đã được đưa trở lại nhà thờ. Sau khi Giáo hội điều tra và công nhận phép lạ, nhà thờ được đổi tên thành Nhà thờ Phép lạ, và bánh thánh vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay.

VÌ LẼ GÌ CHÚA GIESU LẠI HIỆN DIỆN TRONG BÁNH VÀ RƯỢU


Cũng có nhiều người sẽ bảo: Thế thì bánh và rượu ngày nay, sau lời truyền phép của linh mục khi cử hành Thánh lễ, trở thành Mình và Máu của Chúa Kito chỉ là biểu tượng. Chúa muốn những người mà Người yêu mến khi đón nhận Mình Máu Thánh Chúa sẽ nhớ để Người, nhớ đến tình yêu của Người. Đây chỉ là một biểu tượng, một quà tặng, một đại diện để nói lên tình yêu của Chúa.

Chúa Giesu đã nói một cách rất rỏ ràng: "Đây là mình Ta. Đây là máu Ta."

Đây không phải là một phép ẩn dụ, một biểu tượng hay một ý tưởng tâm linh. Trong bí tích cực thánh, "có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể của Mình và Máu Đức Ki-tô, cùng với linh hồn và thiên tính của Ngƣời, nghĩa là Đức Ki-tô trọn vẹn". Sự hiện diện này đƣợc gọi là “thực sự", không có nghĩa là Đức Ki-tô không hiện diện thực sự trong những cách khác; nhung đây là cách hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể, và nơi đây có Đức Ki-tô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người i, hiện diện trọn vẹn"[4]

Trở lại lúc ban đầu, tôi muốn đứng ở khía cạnh của lòng mến mà giải thích về sự hiện diện của Chúa Giesu trong phép Bí tích Thánh Thể. Như tôi đã nói mỗi lần tham dự Thánh lễ, Thiên Chúa khi này là Cha, là Người Yêu của tôi. Tất cả mọi người Cha thương con trên đời, luôn mong muốn làm tất cả mọi sự trong khả năng để được ở bên cạnh con của mình. Chúa ở lại trong Bí Tích Thánh Thể chỉ vì Người cũng khao khát được gần với tôi, gần với con của Người. Tôi muốn gởi lời chia sẽ của một linh mục, hy vọng bạn sẽ nhìn thấy sắc nét hơn lý do Chúa hiện diện trong bánh và rượu. Ngài nói: Trong chúng ta, những người yêu nhau, có ai bao giờ gởi người khác đến bên người yêu mình, để rồi họ cùng nhau đi dạo, cùng nhau chia sẽ tâm tình, cùng nhau biểu lộ tình yêu cho nhau không? Chắc chắn là không, nếu không nói là bạn sẽ nổi điên vì ghen. Khi yêu người ta muốn gần nhau. Và Chúa yêu chúng ta, Người cũng mong mỏi ở bên cạnh chúng ta. Vì thế, thay vì bận tâm tìm hiểu làm thế nào bánh và rượu sau lời truyền phép của linh mục trên bàn tiệc Thánh trong lúc dâng lễ lại trở nên Mình và Máu của Đức Kito, thiết nghĩ bạn nên để câu hỏi thứ yếu nhất lên hàng đầu đó là: Tại làm sao mà Chúa GIêsu lại để cho bánh và rượu trên bàn tiệc Thánh trở nên chính bản thân của Người? YÊU! Đơn giản là vậy. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải dùng cả đời để có thể thấu hiểu được ý nghĩa và mục đích thâm sâu, diệu vời của nó.

Ước gì chúng ta có thể năng đến với Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa, để rồi có thể ngày càng thấu hiểu hơn tình yêu của Người Cha CHí Ái, sẳn lòng chết cho người mình yêu, luôn bao dung và khoan hậu đến là dường nào. Ước gì chúng ta luôn khao khát đón nhận Mình Máu Thánh Chúa, để rồi, cảm biết được hạnh phúc đến nhường nào khi được ở gần với người Yêu mình và mình cũng yêu Người.

Hèn Mọn, Sep 01/2020

Comments


bottom of page