Điều gì đó?
- Trầm Hương
- Jan 27, 2020
- 4 min read

Phân biệt đâu là ý muốn của Thiên Chúa quả là điều không dể dàng. Trong cuốn “Thủ bản tự thuật” của Thánh I- Nhã, Ngài có nhắc đến trạng thái bình an và vui vẻ khi chưa có kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng nội tâm. Nhưng sau đó lại có lúc bất an. Thánh I-Nhã muốn nói gì? Tôi tin đó là cuộc chiến giữa thần lành và thần dữ trong tâm thức của mỗi người trước khi đưa ra một quyết định. Luôn luôn có một điều gì đó giữa ý định của Thiên Chúa và khát khao của Người nơi mỗi người chúng ta. Một điều gì đó còn mơ hồ không rỏ ràng, đủ để thế lực của sự ác kéo ghì lại, khiến chúng ta rơi vào trạng thái ray rứt và buồn sầu.
Mấy năm nay tôi luôn đấu tranh với mong muốn có thể dậy sớm tham dự Thánh Lễ Misa trước khi bắt đầu công việc trong ngày. Có một lúc tôi rất vui vì “tôi muốn và tôi đã làm được”. Nhưng sau đó lại cảm thấy bất an vì tiếng nói bên trong mỗi sáng sớm “Trời lạnh, bạn không phải là một tu sĩ, không cần phải ép mình như vậy. Tiếp tục ngủ đi, chiều về vẫn có giờ để dành cho Chúa.” Thế là hôm đó tôi không được rước Mình Máu Thánh và cả ngày cứ ấy náy không biết “Chúa có thật sự muốn con thức dậy sớm, cố gắng đến nhà thờ” hay “có khi nào bản thân không vui vì cảm giác thất bại, khi không làm được điều mình muốn làm”. Thật tình tôi mong mình có thể làm điều Chúa muốn, chứ không phải là tôi muốn. Thánh I-Nhã khuyên, đừng giấu diếm những tội lỗi hay bất an, vì điều này là điều ma quỷ rất thích. Thế cho nên, tôi luôn chia sẽ tâm tình này mỗi khi gặp linh hướng. Nhưng câu trả lời của các linh mục Dòng Tên luôn lại là một câu hỏi khác khiến tôi càng phải suy nghĩ. Luôn có điều gì đó giữa phân định ý muốn của Thiên Chúa và khao khát của Người. Xem chừng ra là một nhưng không phải là một. Chỉ là kết cuộc phải là một, quay trở lại với với ý muốn của Thiên Chúa.
Sáng nay khắp nơi báo chí nói đến cái chết thảm, bất ngờ của Kobe Bryant. Anh là một siêu sao bóng rổ, và cũng là người công giáo. Điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều nhất đó là việc một người đàn ông, 41 tuổi, nổi tiếng và giàu có, vì lý do gì mà anh có thể mỗi ngày tham dự Thánh Lễ Misa. Đâu là động lực để Anh ta có thể làm được như thế?
Có lẽ như Kobe, mỗi người trong chúng ta đều không ít lần rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, nguy hiểm chập chùng. Trong chúng ta sẽ có không ít người cảm nhận được bài học yêu thương từ Thiên Chúa. Cảm biết mình được chở che, được yêu. Cảm biết được dù cho thân phận mọn hèn, lỗi phạm vẫn luôn được xót thương và ôm ấp bởi Cha Chí Ái. Và cũng chính vì cảm biết được điều đó, chúng ta luôn tìm cách kề cận và mong đáp đền. Tìm kiếm và thực thi ý định của Thiên Chúa không vì khuôn khổ của “trả nợ ân tình”, không vì bổn phận, hay sơ hãi. Nhưng sâu xa hơn vẫn là một khao khát tìm đến, đồng hành với ước ao của Thiên Chúa dành cho mình. Tiếng gọi của tình yêu đáp trả tình yêu dành cho Thiên Chúa và đây mới thật sự là ý muốn của Người nơi mỗi người chúng ta.
Những bâng khuân hay câu hỏi tôi đặt ra bấy lâu nay thật ra hoàn toàn không đúng. Tôi cho rằng, tôi nên hỏi "Tôi đã yêu mến Thiên Chúa và đáp trả tình yêu của Người thế nào?" Chứ không phải "Chúa có muốn con tham dự Thánh Lễ Misa mỗi ngày không?" Nếu tôi yêu đủ thì chắc chắn tôi sẽ biết và sẽ có đủ nghị lực để làm mọi cách, hầu có thể đến được với người mình yêu. Và như vậy, ngay cả những khi sức khỏe không tốt, không thể đến được với Người, tôi cũng sẽ không bị rơi vào tình trạng mất bình an. Bởi vì, chắc chắn Thiên Chúa, Cha dấu yêu sẽ chẳng bao giờ muốn tôi làm việc gì quá sức của mình.
Ngày đầu năm, con xin dâng lên Cha tất cả mọi việc làm, ý nghĩ của con. Vẫn là phải nên tìm kiếm và thực thi thánh ý Cha. Nhưng xin cho con cảm nhận được, mong muốn thật sự ở Cha nơi con không phải là những sợ hãi, những bổn phận thường nhật, mà chính là tình yêu, là mong mõi, là khát khao được đồng hành bên Cha.
Hèn Mọn, Ngày 27 tháng 1 năm 2020
Comments